Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2013

Phản giáo dục chuyện 'thầy mượn tay trò'


Phản giáo dục chuyện 'thầy mượn tay trò'
Không ít trường hợp giáo viên mượn tay học sinh (HS) để phạt HS vi phạm kỷ luật. Cách làm này không chỉ phản sư phạm mà người thầy còn vô tình tạo ra mâu thuẫn trong HS, để lại “vết thương lòng” không nhỏ cho những em HS trót gây lỗi.

Để học sinh “tự xử”
Mới đây, em Nguyễn Vũ Quốc H. (HS lớp 7/2 Trường THCS Điện Biên, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) nói chuyện riêng với lớp trưởng trong giờ học Văn, bị cô giáo phê vào sổ đầu bài. Sau đó, thầy chủ nhiệm gọi hai em này lên, nhưng cho bạn lớp trưởng về chỗ, còn em H. phải chịu phạt. Thầy không đánh H., mà nhờ một HS khác là Lê A. xung phong lên đánh H. năm roi vào tay. Quá đau, H., quay về chỗ ngồi xin dầu thoa vào tay.
Chuyện tưởng như xong, nhưng “vừa đau lại vừa quê với bạn bè vì bị bạn học đánh ngay trước mặt thầy cô và cả lớp nên em không kìm được nóng giận đã đánh vào mặt Lê A. hai cái trên đường đi học về”, H. cho biết. Gia đình em H. đã lên gặp nhà trường để tìm hiểu sự việc và bức xúc phản ánh vụ việc với Cơ quan Bộ GD-ĐT tại TP.HCM: Ngành giáo dục có quy định nào cho phép HS được phép phạt HS bằng đòn roi dù con tôi có vi phạm? Sao thầy lại xử phạt bằng cách cho học trò đánh học trò, làm ảnh hưởng đến tâm lý các cháu, chưa kể làm cho các cháu mâu thuẫn dẫn đến đánh nhau bên ngoài trường.
Chuyện giáo viên (GV) “mượn tay” HS để phạt HS không phải hiếm, dù ngành giáo dục nghiêm cấm GV sử dụng bạo lực. Cuối tháng 2/2013, cô Nguyễn Thị Nhã Phương, GV chủ nhiệm lớp 1/3, Trường tiểu học Hương Mỹ I, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre đã bị cắt hợp đồng vì vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo. Do em Phạm Thị Mỹ Phương, HS lớp 1/3 làm mất chìa khóa lớp nên bị cô đánh vào mông. Sau đó, cô Phương còn yêu cầu mỗi HS trong lớp dùng thước đánh vào mông Phương một cái, HS nào đánh nhẹ thì cô bắt đánh lại. Tương tự, trước đây, cô giáo Trường THCS Nghĩa Hành, huyện Tân Kỳ, Nghệ An đã xử phạt HS bằng cách bắt năm HS… chổng mông lên, cho lớp trưởng dùng roi đánh từng em một, khiến một số em phải đến trạm y tế xã điều trị vết thương.
Có con từng là nạn nhân của “bạo hành tập thể”, anh Quang Huy kể: Chuyện xảy ra khi con tôi học lớp 2 tại trường tiểu học H. nổi tiếng ở Q.1. Vài lần bị kẹt xe nên tôi đưa cháu đến lớp trễ. Vào lớp, cô hỏi con tôi tại sao đi trễ? Cháu thành thật trả lời là tại kẹt xe. Cô quay sang hỏi các bạn trong lớp: Thế tại sao bạn này lại bị kẹt xe, có phải do bạn đi học trễ không? Cả lớp đồng thanh đồng ý. Rồi cô giáo nói: Do đi trễ nên mới bị kẹt xe, sao không đi sớm hơn? Nhiều bạn học cũng “trách” bạn vì tội đi trễ làm ảnh hưởng đến lớp. Sau đó, tôi đi trễ tí thôi là cháu đòi nghỉ học; rồi cháu có vẻ sợ sệt, lo lắng khi đi học. “Cháu mất hứng thú học không phải vì bị cô la rầy. Chính cách xử lý không tốt của cô giáo làm cho cháu không còn muốn đến lớp nên đòi chuyển chỗ học. Đến cuối năm rồi tôi xin chuyển trường cho cháu”, anh Quang Huy cho biết.
Một chuyên viên tư vấn tâm lý cho biết: "Trong nhiều buổi tư vấn, thỉnh thoảng HS tâm sự với tôi bị chính bạn mình “xử phạt” khiến các em cảm thấy quê, nhục nhã, muốn bỏ học. GV đánh trò đã sai, nhờ trò đánh trò càng sai gấp bội. Dù HS có phạm lỗi gì thì người thầy cũng không nên để các em “tự xử” nhau theo kiểu hai em nói chuyện trong giờ học thì gọi hai em đứng lên tự tát vào mặt nhau, như thế rất phản sư phạm".
Phản giáo dục gấp ba lần “thầy đánh trò”
Chúng tôi đem phản ánh của PHHS đến gặp ban giám hiệu Trường THCS Điện Biên, bà Phạm Thị Thủy, Hiệu trưởng trường lý giải: "Nhà trường luôn nhắc nhở GV không được đánh hay gây tổn hại đến thân thể HS, phải giáo dục các em tự nhận ra lỗi khi sai phạm thông qua bạn bè vì các em đang ở lứa tuổi nhạy cảm về tâm sinh lý. Sau khi cho cả hai HS làm tường trình, chúng tôi đã nhắc nhở thầy giáo chủ nhiệm lớp 7/2 hành động trên là sai, đồng thời nhắc nhở chung tất cả GV. Sau đó, chúng tôi có mời PHHS trở lại trường lần nữa để trả lời vụ việc nhưng không thấy. Chúng tôi cũng đã báo với gia đình rằng H. (gia đình H. ở Đồng Nai. H. đang ở nội trú tại nhà dòng gần trường) cũng thường xuyên vi phạm nội quy nhà trường nên gia đình cần phối hợp nhắc nhở thêm". Cô hiệu phó Nguyễn Thị Lan Anh cho biết thêm: Không phải GV sợ trách nhiệm nên đẩy cho HS phạt giùm mà có thể GV muốn các em xấu hổ với bạn bè rồi rút kinh nghiệm tự sửa lỗi nhưng đã xử lý chưa tốt.
Thầy Trần Tuấn Anh, GV môn GDCD Trường THCS Bạch Đằng (Q.3) không đồng tình: Việc muốn làm HS “quê” với bạn bè để khắc phục thiếu sót đã gây ra tác dụng ngược. Đôi khi, hai em này đang có mâu thuẫn mà GV lại trao cơ hội “trả thù”, như thế lại càng không ổn. GV phải biết quan sát và đưa ra giải pháp giáo dục, nhắc nhở phù hợp.
ThS tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM phân tích: Đầu tiên là không được sử dụng bạo lực trong nhà trường, dù là xuất phát từ GV hay HS. Việc GV nhờ HS này đánh HS khác tức là dạy tính bạo lực hành hạ thân thể bạn cho các em, vô tình làm chia rẽ mối quan hệ giữa hai HS. Kế nữa, hành động này đã làm nhục HS bị đánh trước mặt người khác, nếu các em sai phạm, bị thầy trách phạt còn đỡ, đằng này lại bị bạn phạt... Như vậy, hành động này phản sư phạm gấp ba lần so với việc thầy đánh HS.
Mặt khác, GV cũng thường không khéo léo khi sử dụng phương pháp giáo dục tập thể, nghĩa là dùng tập thể để điều chỉnh hành vi cá nhân. Nhưng, cho dù sử dụng phương pháp nào thì vẫn phải tôn trọng nhân cách cá nhân. Với lứa tuổi tiểu học - THCS, các em rất mong manh dễ vỡ, cái tôi đang phát triển nên rất sĩ diện. Việc thầy cô đè bẹp sĩ diện đó sẽ khiến các em nảy sinh phản ứng để tự vệ chứ không tiếp thu theo hướng tích cực. HS chỉ tiếp nhận khi cởi mở tâm lý nên chúng ta dội gáo nước lạnh vào các em thì chỉ gặp sự tự vệ tâm lý và kết quả là gây ra sự tổn thương.
(TheoTiêu Hà/ Phụ Nữ TP.HCM)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét