(Xem lại thì bài này đã có đăng từ lâu rồi (2008?)
Cưỡng ép làm từ thiện và án phạt “chuồng tiêu”
Bà Nguyễn Thị Sánh, thôn Y Vích, xã Hải Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hoá) vừa sống qua những ngày ác mộng. Nhà sát biển, khi nhà nước đầu tư xây kè Y Vích, bà được đền bù 13,2 triệu đồng. Vừa ra khỏi uỷ ban, cán bộ xã, thôn đã bám theo, “cấu” đi của bà... 10 triệu!
>> Chuyện khó tin ở vùng quê đau khổ
Vụ “áp phe” kỳ lạHôm ấy, ngày 17/11/2008, nhận tiền xong, bà cùng cô Đỗ Thị Xuyến, nhà kế bên, vội vã ra về. Cả đời dầm mình bên chạt muối, làm thuê đủ việc, mỗi ngày chỉ kiếm chưa đầy chục nghìn thì việc có tiền triệu trong tay, với bà quả như mơ.
Đang bồng bềnh với suy tính dành dụm tiền làm lại nhà mới, đến đầu đường rẽ vào xóm mình, bất ngờ mấy cán bộ xã, thôn đổ ra chặn lại. Họ mời hai người về trụ sở thôn đóng góp cho... nhà chùa một chút. Cô Xuyến nhanh trí: “Tôi chỉ nhận tiền thay cho bố mẹ. Việc ủng hộ nhà chùa, tôi phải về xin ý kiến bố mẹ tôi đã!”. Nói dứt câu, cô nhanh chân về mất. Còn lại một mình, bà chẳng biết thoái thác làm sao, đành lững thững theo họ.
Về tới hội trường ngồi chưa ấm chỗ, bà tá hoả khi biết số tiền mình phải ủng hộ là 10 triệu đồng. Bà kể, khi ấy, bởi bất ngờ nhận được số tiền quá lớn, rồi thình lình bị triệu về thôn, bà hồn xiêu phách lạc nên chẳng nghĩ được gì, người ta bảo sao thì nghe vậy, như người mộng du, mê sảng. Làm xong cái việc “tình nguyện lạ lùng” đó, bà liêu xiêu bước ra.
Ra đến cổng, trấn tĩnh, bà mới giật mình nhận ra cái việc dại dột của mình. Nghĩ vậy bà lại hốt hoảng bổ vào: “Các chú ơi, các chú cũng biết hoàn cảnh của tôi rồi đấy. Tôi bị mất nhà, giờ cúng ngần ấy tiền thì tôi biết ở vào đâu. Các chú cho tôi xin lại chút ít, còn bao nhiêu tôi sẽ ủng hộ!”. Nài nỉ, xin xỏ hết lời nhưng vô dụng. Những lời nước mắt ấy, họ - những công bộc của dân bỏ ngoài tai.
Ở thôn Y Vích này đâu chỉ có duy nhất trường hợp bà Sánh mà nhiều nhà khác, khi đi nhận tiền đền bù, cũng đều bị xã, thôn “đè ra”, bắt ủng hộ chùa. Ai cứng thì còn giữ lại được tiền, ai yếu bóng vía, mềm lòng thì coi như mất.
Như nhà ông Trịnh Văn Hùng, nhận đền bù được 2,4 triệu, chưa kịp mang về nhà thì đã bị “tước mất” 1 triệu. Hôm đó, vợ ông đi lĩnh tiền. Lúc bà về, biết chuyện ông nổi đóa: “Nếu chùa cần ủng hộ thì phải đến nhà, đằng này giữa đường giữa chợ. Mà đấy, ủng hộ thì tuỳ tâm chứ sao lại ép người ta thế!”.
Hãi ông “đầy tớ nhân dân”!
Đang bị dân tố cáo, bị thanh tra huyện phanh phui hàng loạt những việc làm sai trái, nên khi thấy tôi đến làm việc với gia đình bà Sánh thì trưởng thôn và công an viên đã tìm đến.
Cũng như những lần khác, vẫn là những câu hỏi “Các anh là ai? đến đây có việc gì?”. Vẫn “chiêu” cũ, họ bảo, tình hình an ninh trật tự ở thôn đang phức tạp, đề nghị tôi về thôn. Bị cản trở quá nhiều lần, tôi nhất quyết không về. Một người mặc quần áo công an viên hùng hổ lao vào, vừa lớn tiếng nạt nộ vừa che ống kính không cho tôi ghi hình bà Sánh. “Anh không về không được chứ! Phải về!”, tay vung loạn xạ, mắt trợn trừng trừng, người công an viên ấy quát.
Thấy người công an viên coi thường luật pháp, một người dân ở đó nói: “Các anh ấy có thẻ nhà báo, có giấy giới thiệu thì không phải đi đâu hết, cứ làm việc bình thường”. Người công an viên ấy quay ra xử lý “kẻ nhiều chuyện” trên: “Tao không làm việc với mày!”. Không những thế, khi tống cổ được người dân dám to gan “dí mũi” vào “việc nhà quan” ra khỏi nhà bà Sánh, vị công bộc của dân ấy lại tiếp tục xả ra những lời lẽ vô cùng tục tĩu. Chứng kiến cảnh ấy, đông đảo người dân tới xem ai cũng kinh ngạc, hãi hùng.
Đang làm việc thì vị công an viên này lao vào nạt nộ. (Ảnh: NTNN) |
Tôi đã liên hệ với ông Đào Ngọc Quỳnh - Cán bộ Phòng Nông nghiệp Nông thôn, thành viên của Ban GPMB Hải Lộc thì được biết, hôm ấy, chính ông tham gia trả tiền đền bù cho dân. Như nhiều hộ dân khác, bà Nguyễn Thị Sánh đã nhận đầy đủ số tiền là 13,2 triệu đồng. Việc xã nói Ban giải phóng mặt bằng huyện giữ lại 10 triệu của bà là hoàn toàn bịa đặt!
Án phạt “chuồng tiêu”
“... Các thứ thuế kể chi cho xiết; Thuế xí kia mới thiệt lạ lùng; Làm cho thập thất, cửu không; Làm cho đau đớn khốn cùng không thôi...”. Những vần thơ ấy là của nhà yêu nước Phan Bội Châu gần trăm năm trước, nói về sự bóc lột tàn tệ của thực dân, phong kiến. Ở Hải Lộc, mấy năm nay, chính quyền địa phương cũng tiến hành thu khoản thu kỳ quặc đó.
Khoản thu này được đổi tên thành “Tạm thu vệ sinh môi trường” hay “Phạt vệ sinh nông thôn”. Đối tượng bị tạm thu, bị phạt là những hộ gia đình không có nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn...
Nhiều người dân đã đem sổ đóng góp đến tố khổ khoản phạt... chuồng tiêu. (Ảnh: NTNN) |
Cụ thể, năm 2004, gia đình chị phải đóng góp số tiền là 624 nghìn đồng, cộng với số tiền nợ cũ đã tính lãi là 544 nghìn đồng, tổng cộng chị phải nộp 1,168 triệu đồng. Năm ấy, thiếu ăn, gia đình chị chỉ nộp được chút ít, còn đâu nợ lại. Sang đến năm 2005, số tiền gia đình phải nộp 1,044 triệu đồng, cộng với nợ năm trước và khoản lãi là gần 300 nghìn (thể hiện trong sổ), tổng cộng chị phải nộp gần 2,5 triệu đồng. Không muốn khoản nợ của mình ngày một lớn dần thêm, năm này, chị đã cố gắng vay mượn để đóng nhưng vẫn còn nợ lại 1,963 triệu đồng. Sang đến năm 2006, khoản nợ trên, cùng với các khoản đóng góp mới thì số tiền mà gia đình chị phải nộp 3,8 triệu đồng. Sang đến năm 2007, với khoản đóng góp là hơn 1 triệu đồng, cộng nợ cũ và khoản lãi là 672 nghìn đồng, gia đình chị phải gánh khoản nợ trên 5,2 triệu đồng.
Quá hốt hoảng với số nợ khổng lồ, hễ kiếm được chút tiền nào là chị lại vội vàng lên xã nộp, khi thì 200 nghìn, khi thì 700 nghìn. Năm 2008, nợ cũ cùng những khoản đóng góp mới, gia đình chị vẫn nợ đến hơn 5,5 triệu đồng.
Trong số những khoản đóng góp hàng năm thì khoản phạt vệ sinh môi trường chiếm phần nhiều. Căn cứ vào cuốn sổ đóng góp của gia đình chị Sáng thì khoản tạm thu này được bắt đầu từ năm 2005, mỗi khẩu là 20 nghìn đồng, bất kể là người lớn hay đứa trẻ còn đang ẵm ngửa. Sang năm 2006, khoản thu này đã tăng lên 30 nghìn đồng/khẩu, nhà chị phải đóng 300 nghìn đồng. Năm 2007, không biết được thuyên giảm bởi lý do gì, khoản đóng góp này chỉ còn 240 nghìn đồng. Năm 2008, khoản thu này lại tăng đột biến là 440 nghìn đồng. Như vậy, chỉ tính từ năm 2005 đến năm 2008, nhà chị phải nộp cả thảy 1,180 triệu đồng tiền phạt vệ sinh.
Để thoát “cái án” này, gia đình chị vừa bóp mồm bóp miệng cho ra đời cái “công trình thế kỷ”. Hơn triệu bạc đã đi tong! Để có đủ số tiền ấy, vợ chồng chị đã phải lạy lục vay mượn khắp nơi.
Để thoát án phạt, chị Sáng đã phải vay mượn để làm “công trình thế kỷ” này. (Ảnh: NTNN) |
Ở Hải Lộc, có rất nhiều gia đình phải chịu khoản phạt trên. Có những gia đình “dính” phạt đến 3 - 4 bận và đến bây giờ “cái án” ấy vẫn còn tiếp tục chình ình trước mặt.
Khi tìm hiểu cái chuyện tế nhị này, có người đã chua chát nói với tôi rằng: “Đấy, anh xem, cảnh nhà tôi nó thế! Ăn còn chẳng có thì lấy gì mà xây nhà vệ sinh! Mà sao ông trời oái oăm thế! Đã cho người ta ăn lại còn bắt người ta... Nếu không có cái khoản ấy thì làm sao nhà tôi bị phạt!”.
(Còn tiếp)
Theo Đào Thanh TuyNông thôn ngày nay
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét