Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

Chuyện học thời xưa, thời nay.

Chuyện học thời xưa, thời nay.


Phuc Nguyen

Làm sao để có được một nền giáo dục đàng hoàng, tử tế như ngày xưa? Câu hỏi nhức nhối ấy vẫn còn bị bỏ lửng...

Ngày xưa, thời tôi còn nhỏ, chúng tôi đua nhau từng nửa điểm, tranh hạng Nhất, Nhì, Ba để có Bảng Danh dự hàng tháng. Mấy năm tiểu học, năm nào lớp tôi cũng có ít nhất dăm, bảy đứa bị ở lại lớp. 

Cuối năm học vừa qua, bạn tôi là giáo viên của một trường phổ thông cơ sở (tiểu học) cấp quận, than thở:”Năm năm lớp mình chủ nhiệm có tới 5 đứa không đủ điểm lên lớp. May mà cũng “lo” được cho chúng nó xong. Nếu không, mình sẽ bị cắt thi đua là cái chắc.” Hèn chi, thời nay học sinh nào bị ở lại lớp, là ...chuyện lạ. 

”Nhân-Lễ-Nghĩa-Trí-Tín”. Hồi xưa, từ mấy lớp tiểu học, chúng tôi được thầy cô dạy nhiều về nhân cách, đạo đức như những bài học về kính trên, nhường dưới, ngay thẳng, thành thật...Gặp người lớn phải cúi đầu, khoanh tay chào; ra đường thấy đoàn xe tang phải ngả nón, dừng lại,...

Bây giờ cũng có những người Thầy phát biểu rằng bậc tiểu học là thời gian hình thành nhân cách, từ đó chi phối toàn bộ quá trình phát triển sau này. Thưc tế, không các thầy, cô giáo trong nhà trường có chú trọng những bài giảng về nhân cách, về tình yêu thương, về lối sống đạo đức con người cho học sinh hay không, chỉ thấy từ nhiều năm qua, hết những lời kêu ca, lại đến báo động về bạo hành, bạo lực trong nhà trường. Xuất hiện trên báo chí hàng ngày là những tin chỉ cần đọc tựa, đã thấy nhức nhối: “Nữ sinh đánh bạn đến ngất xỉu”; “Học sinh chửi tục trong bài kiểm tra”; “Học sinh đánh giáo viên chủ nhiệm chảy máu đầu”...Còn với giáo viên thì “Nam sinh bị hiệu phó đánh phải nhập viện”; “Giáo viên dùng đại học giả vẫn đứng lớp”,...


Nạn bạo lực học đường không hề suy giảm mà càng ngày càng diễn biến phức tạp.
Hình:tuanvietnam.vietnamnet.vn

Hồi ấy, chị tôi là nữ sinh Gia Long. Nghe chị nói vừa tiếng Anh, vừa tiếng Pháp lưu loát, tôi hay thắc mắc:”Sao chị phải học nhiều ngoại ngữ thế?” Chị cười, nói:”Ừ, tụi chị phải học thành thạo một sinh ngữ, và khá một sinh ngữ khác, gọi là sinh ngữ phụ.” Tôi nhớ hôm chị báo đậu Tú tài, Ba, Mẹ tôi mừng không dấu nổi cảm xúc. Ba đãi chị, chở cả nhà đi ăn tiệm. Năm đó chị tôi đi Australia học lên đại học. Còn anh lớn của tôi trở thành bác sỹ thực thụ ở Mỹ, sau khi tốt nghiệp trường Y ở Saigon và chỉ cần mất 1 năm tu nghiệp ở Mỹ.

Hiện nay, tôi biết nhiều trường ở nước ngoài, không chấp nhận bằng Tốt nghiệp phổ thông trung học (bằng Tú tài) của VN; các cử nhân trong nước muốn ra ngoại quốc học tiếp đều phải học lại vì bằng cử nhân của VN không có giá trị. Tôi có người bạn đang học Cao học (học sau đại học để lấy bằng Thạc sỹ) ở một trường đại học lớn tại Sài Gòn. Cô ấy kể vô lớp giảng viên nói, giảng viên nghe; học viên muốn làm gì thì làm, cuối mỗi môn học, lớp gom tiền mời giảng viên đi ăn nhậu, đi “mát mẻ”, và sau đó đừng quên cử đại diện gửi cho giảng viên một phong bì dày dày, ắt hẳn toàn bộ học viên lớp đó sẽ đủ điểm mà không phải thi lại. Bạn tôi than:”Vừa mất tiền, vừa mất thời gian, giảng viên vô lớp nói tầm xàm ba láp. Chẳng học được gì. Tức!” Thế sao còn học:”Tôi hỏi?”. “Phải học để lấy cái bằng, không có bằng này, không được lên lương, không được xếp vô ngạch công chức!”. À, thì ra thế!

Còn có dạng không cần đến giảng đường, vẫn có bằng! Tình trạng mua bán bằng cấp hầu như chưa có thuốc chữa, vì nó dắt dây từ trên xuống dưới. Người ta hay nói ở VN bây giờ “thạc sỹ chạy đầy đường”, bởi chỉ cần 10-15 triệu đồng VN (khoảng $500 đến $700) là có ngay một tấm bằng Thạc sỹ, chẳng cần phải học ngày nào! Tôi hiểu, những người có nhân cách không bao giờ làm chuyện đó.


Bằng cấp, mua là có! 
Hình chụp lại từ một website quảng cáo nhận làm bằng đại học giả.

Chuyện mua bán chức quyền ở các ngành, nghề khác, nghe còn có thể hiểu được, nhưng chuyện các chức vụ hiệu trưởng, hiệu phó các trường tiểu học cũng phải mua chác và...”có giá”, thì thật khó hiểu. Hiệu trưởng chỉ có quyền trong nhà trường, mà nhà trường là nơi giáo dục con người cả về nhân cách, lẫn trí thức thì làm sao Hiệu trưởng tham nhũng được? Vậy mà có đấy! Hàng năm, phụ huynh phải mua đồng phục cho con em mình. Đồng phục trường nào phải có phù hiệu trường đấy, rồi phải có bảng tên để học sinh gắn vào ngực áo. Các cơ sở may đồng phục, nếu muốn bán được hàng phải “khéo léo” với Hiệu trưởng, vì Hiệu trường là người quyết định mua đồng phục ở đâu. Đó là chưa nói đến các thiết bị dạy học, bàn ghế, trang thiết bị của nhà trường...tất cả đều phải có chữ ký của Hiệu trưởng, thì mới được mua. Người ta gọi đó “trách nhiệm người đứng đầu.” Một phó hiệu trưởng trường cấp 2 ở một xã nghèo thuộc huyện Bình Chánh (Sài Gòn) chấp nhận bỏ ra 60 triệu đồng (khoảng $3,000) để được cất nhắc lên làm hiệu trưởng (khi vị hiệu trưởng đến tuổi về hưu), chỉ sau một năm thôi đã lấy được “cả vốn lẫn lời”.  

Muốn có nền giáo dục phát triển lành mạnh, phải có một môi trường xã hội lành mạnh.   Với những tiêu cực của xã hội VN như tình trạng “mua quan bán chức” hiện nay, mục tiêu học hành của học sinh sẽ ra sao? 
Trong một hội thảo về cải cách giáo dục, có ý kiến cho rằng chương trình giáo dục hiện tại bị lệch lạc. Một là quá chú trọng phần kiến thức văn hóa nói chung. Học sinh phải học những thứ mà sau khi tốt nghiệp không bao giờ chúng gặp phải trong cuộc sống hay nghề nghiệp. Hai là các môn học về nhân cách không được chú trọng và không được dạy dỗ một cách hệ thống.

Chương trình giảng dạy lệch lạc thì phải đổi. Nhưng đổi thì phải thay sách giáo khoa. Ai soạn sách? Ai in sách? Bởi vì có liên quan đến lợi nhận của một số người, nên muốn thay đổi, dù chỉ thay đơn vị in sách thôi, cũng đâu có dễ!

Mới đây, cuộc thảo luận về việc bỏ hay không không bỏ thi tốt nghiệp phổ thông trung học cũng được “xốc” lên. Lý do là vì kỳ thi này là tốn kém quá (mỗi năm ngân sách chi 300 tỷ đồng cho kỳ thi tốt nghiệp phổ thong trung học), nhưng năm nào tỷ lệ đậu cũng gần như 100%. Đã đậu hết rồi thì cần gì phải thi nữa! Nhưng cũng có ý kiến nghi ngại, bỏ thi mà với kiểu dạy và học như hiện nay, liệu có khá hơn? 

Hệ thống giáo dục VN không chỉ lệch lạc về chương trình giảng dạy mà còn bết bác từ người dạy đến người học. Rất đau xót khi biết rằng giáo dục lạc đường có thể giết chết nhiều ước mơ, dập tắt nhiều hy vọng tiến thân của một lớp trẻ và giết đi không nhỏ một bộ phận trí thức đáng ra phải được đào tạo đàng hoàng từ bây giờ, cho một tương lai mai sau.

Làm sao để có được một nền giáo dục đàng hoàng, tử tế, như ngày xưa? Câu hỏi nhức nhối ấy vẫn còn bị bỏ lửng...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét