Khoa học giả hiệu về liệu pháp tế bào gốc trong thẩm mỹ
Thanh Trúc, phóng viên RFA 2013-10-10
Trong mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi tuần trước, đề tài Liệu Pháp Tế Bào Gốc Ứng Dụng Trong Thẩm Mỹ: Khoa Học Hay Thương Mãi, tiến sĩ y khoa bệnh học Nguyễn Thượng Vũ dựa trên cảnh báo của các tổ chức và hiệp hội phẫu thuật hoặc tạo hình uy tín ở Hoa Kỳ cũng như ở Thái Lan để khuyến cáo rằng vì tất cả vẫn còn trong giai đoạn thí nghiệm lâm sàng vì thế FDA Cơ Quan Kiểm Soát Dược Phẩm Và Thực Phẩm Hoa Kỳ chưa cho phép bất cứ ai sử dụng phương pháp điều trị tế bào gốc trong các phòng mạch hoặc các thẩm mỹ viện ở nước Mỹ.
Vẫn theo lời tiến sĩ y khoa bệnh học Nguyễn Thượng Vũ, cũng là nhà nghiên cứu sinh hóa của tế bào da, những bệnh về da và thuốc trị da trong La Belle Cosmeceuticals Incorporation ở California, không có bằng chứng khoa học nào chứng minh được rằng liệu pháp tế bào gốc được quảng cáo trong thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm có hiệu quả trẻ hóa, tăng tuổi thọ, mọc tóc, giảm cân và làm chậm tiến trình thoái hóa các cơ quan trong cơ thể con người.
Sau khi bài được phát đi tuần trước, Thanh Trúc đã nhận được khá nhiều phản hồi, đúng hơn là những câu hỏi thính giả nêu ra. Thí dụ điển hình là thư của một nữ thính giả ở Florida, đính kèm hình ảnh quảng cáo những mỹ phẩm mà bà đã tốn khá nhiều tiền để mua và đang sử dụng mỗi ngày. Đó là Bộ Kem Dưỡng Chiết Xuất Từ Tế Bào Gốc Nhân Sâm Hoang Dã có thể chống lão hóa, phục hồi và làm tươi mới làn da, Xà Bông Chiết Xuất Từ Tế Bào Gốc Của Cây Thủy Tùng có khả năng trị mụn và tẩy sạch mọi chất bẩn trên da, Xà Bông Chiết Xuất Từ Tế Bào Gốc Cà Chua có công dụng làm trắng và làm trẻ làn da vân vân. Trở lại cùng mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi hôm nay nhằm mục đích chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu cũng như kiến thức chuyên môn về điều ông gọi là “Khoa Học Giả Hiệu Về Liệu Pháp Tế Bào Gốc Trong Ngành Thẩm Mỹ”, tiến sĩ Nguyễn Thượng Vũ khẳng định:
"Thứ nhất là tôi phải nói rất rõ rằng vấn đề dùng Stem Cell trong thực vật mà đưa vô trong các mỹ phẩm và bảo là tốt cho da thì chuyện đó hoàn toàn không có. Tôi khẳng định như vậy là tại vì tế bào gốc đem ra khỏi cái môi trường đó trong vòng một phút là nó chết liền thành ra nó không thể nào làm được chuyện gì hết.
Có nhiều người biện hộ là trong các loại thảo dược trong các loại mầm cây đó, có các loại protein thì nó cũng làm mát da mát thịt, đại khái là như vậy. Nhưng mà vấn đề dùng thảo mộc đưa vô mỹ phẩm thì có từ lâu lắm rồi. Rất nhiều loại mỹ phẩm đó đầy trên thị trường và giá cả cũng rẻ và cái đó cũng vô thưởng vô phạt. Nhưng khi người ta để nhãn mác lên và cho quí vị những tin tức sai lầm như vậy thì tôi khẳng định chuyện đó không có được.
Khi mà dùng cái khoa học không có thực, cái khoa học nghe rất là to, để quảng cáo như vậy, từ chuyên môn gọi là pseudo science khoa học giả hiệu. Khoa học giả hiệu bắt đầu vô thị trường Việt Nam mình chỉ mới năm ngoái năm nay thôi. Nhưng mà trong một hai năm gần đây, thực từ là từ năm ngoái đến bây giờ, quý vị thấy trên TV những hình ảnh các khoa học gia mặc đồ rất đẹp, rồi những phòng thí nghiệm, những ống nghiệm… Thì thực tế các hình ảnh rất dễ, các công ty đều có thể mua trên Internet để bỏ vô trong đó chứ còn nó không dính gì tới khoa học hết."
Thanh Trúc: Thưa theo như Thanh Trúc hiểu được thì người ta lạm dụng cái khoa học giả hiệu để mua bán ở khắp nơi chứ không riêng trong cộng đồng Việt Nam?
TS Nguyễn Thượng Vũ: Không phải ở trong cộng đồng Việt Nam không đâu mà nó rất là lớn. Tức là từ khoảng 2006 ở Trung Quốc đã có hàng trăm ngàn sản phẩm khác nhau. Cách để promote quảng cáo thì họ bảo những cái này đều có nghiên cứu hết. Thành ra hiện nay số lượng mà tôi phải đánh trong ngoặc kép là “Tạp Chí Khoa Học” thì nó có hàng ngàn cái tạp chí khoa học mới ra, hình thức nó giống một tạp chí khoa học bình thường nhưng người ta trả tiền để publish (công bố) chứ không phải peer review (có sự thẩm định của chuyên gia).
Thanh Trúc: Và nếu họ đưa tin là sản phẩm đã được FDA Cơ Quan Kiểm Soát Dược Phẩm Và Thực Phẩm Hoa Kỳ công nhận thì điều đó cũng cần phải xét lại ?
TS Nguyễn Thượng Vũ: Đúng như vậy, tại vì FDA có một tuyên bố rất rõ, như tôi đã nói, là không có một sản phẩm một liệu pháp tế bào gốc nào dùng trong mỹ phẩm và dùng trong thẩm mỹ mà được FDA chấp nhận hết.
Một điểm rất quan trọng là tất cả những quảng cáo đó đều nằm trên TV và những truyền thông bằng tiếng Việt chư quí vị không nghe nói bằng tiếng Anh. Ngay cả những văn phòng quảng cáo bằng tiếng Việt là họ làm phẫu thuật này phẫu thuật nọ, lên website bằng tiếng Anh thì quí vị không thấy chuyện đó. Đó là cách để tránh sự kiểm soát của FDA.
Thanh Trúc: Thưa tiến sĩ, ông cũng có nói với Thanh Trúc là cuối tuần qua có người đã gọi cho ông để trao đổi điều gì đó liên quan đến lập luận của ông rằng liệu pháp tế bào gốc trong thẩm mỹ không phải là khoa học mà chỉ là thương mãi?
TS Nguyễn Thượng Vũ: Cái này cũng rất là thú vị, tại vì khi chúng tôi nói thẳng những điều này thì chúng tôi cũng biết sẽ có phản biện của những công ty buôn bán những sản phẩm đó. Đầu tiên có một ông tên Trung, họ Vũ, gọi tôi bảo rằng ông là nhà báo làm việc cho Vietnam News, nghe nói đó là một tờ báo ở Việt Nam. Ông ấy bảo tôi như vầy: có thể bác sĩ biết rất nhiều nhưng mà có những điều bác sĩ không biết, thí dụ chúng tôi biết có một tin tức rất quan trọng trong một tạp chí rất quan trọng, trong đó thông tin rằng tổng thống Mỹ trước đây là Roosevelt và tổng thống nước Pháp De Gaulle và chủ tịch nước Nga Gorbachev, trước đây đã dùng tế bào gốc từ thai cừu non do đó khỏe mạnh và sống lâu trăm tuổi, vậy bác sĩ nghĩ như thế nào?
Tôi nói thật là những tin đồn như vậy tôi cũng có nghe nhiều lắm, và tôi cũng có nghe câu chuyện vua Khang Hy và bà Từ Hy Thái Hậu đã từng dùng tế bào gốc từ thai cừu non do đó khỏe mạnh và sống lâu trăm tuổi. Tôi nói vậy để quí vị hiểu và có câu trả lời cho ông nhà báo Vũ Trung này.
Thanh Trúc: Là một khoa học gia thì theo bác sĩ khi nghe hay đọc một quảng cáo rất kêu, về một mỹ phẩm hay một phương pháp thẩm mỹ ứng dụng liệu pháp tế bào gốc, người ta nên làm cách nào để biết đó là khoa học đích thực hay khoa học giả hiệu?
TS Nguyễn Thượng Vũ: Dễ lắm. Thứ nhất là khi quí vị thấy một công ty mới mà quảng cáo một sản phẩm mới, nếu công ty đó ở California, thí dụ công ty LaBelle Cosmeceuticals mà tôi làm việc cho họ đó, quí vị vô website của chính phủ gọi là Office Of Secretary Of State của California, để tên của công ty LaBelle Cosmeceuticals, bấm vô sẽ có hết những tin tức trong đó. Nếu bỏ tên mà không có thì đương nhiên công ty đó không có.
Thí dụ điển hình thứ hai nữa cũng có thể tìm. Có một công ty tên Stemzelle , thì Stemzelle là danh từ chung của tiếng Đức, có nghĩa là Stem Cell, ở nước Đức. Tôi cũng ngạc nhiên vì một danh từ chung như vậy thì không thể dùng làm tên riêng của một công ty được. Thành ra tôi thử vô website của German Federal Government (Chính Phủ Liên Bang Đức) tôi bỏ tên Stemzell đó vô và tôi tìm thì không có công ty đó. Đó là một thí dụ để biết một công ty có thật hay không.
Bây giờ qua vấn đề quảng cáo, nhiều tổ chức làm ăn qui mô lớn đầu tiên họ đưa tin thất thiệt trước để quần chúng hiểu một cách sai lầm, rồi sau họ mới đưa những sản phẩm nhỏ trước rồi đưa những sản phẩm lớn hơn. Và cứ như vậy, vì vấn đề lợi nhuận, họ đưa qua những trung gian thành ra sản phẩm chạy lung tung hết.
Thanh Trúc: Nhưng mà thưa tiến sĩ Nguyễn Thượng Vũ, thỉnh thoảng lại thấy những người đang sử dụng mỹ phẩm tế bào gốc của khoa học giả hiệu nói chuyện trên radio hay trên TV là họ dùng những thuốc hay những mỹ phẩm đó rất công hiệu, nghĩa là uống vào thì ăn được ngủ được, dùng kem dưỡng thì da căng và sáng ra, có vẻ như họ rất hạnh phúc?
TS Nguyễn Thượng Vũ: Khi quí vị thấy một cái testimony một lời chứng bảo tôi đã dùng cái đó và nó tốt thì việc đầu tiên mà mình hiểu là testimony đó hoàn toàn không được kiểm chứng gì hết về khoa học. Nguyên tắc khoa học là đưa vô những thí nghiệm gọi là thí nghiệm lâm sàng, thường không chỉ thử cho một người mà thử ít nhất là 20 hoặc 30 người. Thử như vậy là phải theo dõi xem một năm sau nó work như thế nào, có triệu chứng gì lạ hay không, có nguy hiểm gì không? Một công trình nghiên cứu nếu có thành đạt được thì tất cả dữ liệu đó mới đưa cho văn phòng FDA Cơ Quan Kiểm Soát Dược Phẩm Và Thực Phẩm Hoa Kỳ. Đầu tiên của những người nghiên cứu là phải công bố liền kết quả thực sự trên sách vở khoa học. Nếu mình không công bố mà người khác làm trước mình và họ công bố trước là mình mất cái credit (tín nhiệm) đi.
Điểm thứ hai, khi mà có sự công bố rồi cũng không có nghĩa là được chấp thuận để dùng cho người ta mà phải qua nhiều thí nghiệm khác rồi sau đó là FDA chấp thuận. Nó cần một thời gian rất lâu trước khi đưa ra thị trường. Thành không đơn giản chỉ một người đứng trên TV mà bảo là dùng cái này tốt dùng cái kia tóc mọc thì thật sự là không có.
Thanh Trúc: Cách hay nhất là vẫn có thể kiểm chứng trên Internet phải không ạ, thí dụ kiểm chứng về khoa học gia Nguyễn Thượng Vũ chẳng hạn?
TS Nguyễn Thượng Vũ: Bây giờ thông tin đều sẵn sàng trên Internet hết. Thí dụ tìm những nghiên cứu khoa học của Nguyễn Thượng Vũ thì quí vị vào trong website của chính phủ là pubmed, public medicine của Thư Viện Y Học Hoa Kỳ, đánh tên của tôi thì sẽ thấy chạy ra hết những bài của tôi. Nếu trùng tên thì cứ đánh chữ “cancer” hay cell là tế bào gốc là những vấn đề mà tôi nghiên cứu thì tự động nó chạy ra hết.
Cũng nhân tiện, cách để tìm hiểu các sản phẩm quảng cáo cũng kiểm chứng y hệt nhu vậy. Quí vị đem thông tin đó vô trong pubmed, nếu có thì đúng, còn nếu không có thì đừng tin.
Thanh Trúc: Về mặt tâm lý, tiến sĩ có tin rằng khi sử dụng một loại thuốc hay một loại mỹ phẩm nào đó với lòng tin tưởng thì chí ít cũng có một kết quả nhất định nào đó?
TS Nguyễn Thượng Vũ: Vấn đề này cũng rất nhạy cảm. Với tư duy phê phán căn bản thì quí vị phải hỏi là nếu một sản phẩm thực sự tốt và thật sự an toàn thì tại sao một công ty phải đổi tên đổi họ sản phẩm đó và phải bảo rằng sản phẩm đó có chứa tế bào gốc để bán. Thực sự chuyện này đứng sau một vấn nạn lớn trong vấn đề thẩm mỹ. Đó là về da thì có nhiều hóa chất có thể làm da mình đẹp thức thì, ngó đẹp lắm nhưng nó hại ghê gớm lắm. Một thí dụ điển hình là hóa chất hydroquinone ở Châu Âu ở bên Nhật không cho dùng tự do, over the counter.
Ở Mỹ chỉ cho dùng 2% nhưng FDA và các hiệp hội đang cố gắng vận động không cho dùng thứ này. Lý do là Hydroquinone có thể làm cho da chết dần chết mòn, gây ra ung thư syringoma là ung thư tuyến mồ hôi. Nếu đã dùng rồi mà không dùng nữa thì da bị xấu bị đen thành phải dùng hoài, mà dùng hoài thì nó nguy hiểm. Đây là chứng cớ rõ ràng nhất của vấn đề hóa chất gây nguy hiểm cho tế bào gốc trên da. Những sản phẩm như vậy quần chúng biết và họ tẩy chay, họ không dùng nữa. Chính vì không dùng nữa thì đôi khi nó phải đổi tên đổi họ để đưa ra thị trường để tìm cơ hội khác.
Thanh Trúc: Sau cùng, trong bài tuần trước có hai chuyện quan trọng mà ông cảnh báo về sự lạm dụng tế bào gốc không kiểm chứng liên quan đến cái prion trong con cừu mà đưa vào cơ thể con người. Xin ông dẫn chứng mức độ nguy hiểm đó như thế nào?
TS Nguyễn Thượng Vũ: Prion tức là cái protein gây ra bệnh trên con cừu thì nó có khả năng gây bệnh thoái hóa não trên các động vật khác. Điểm thứ hai là cái khác biệt trong thời gian ủ bệnh của prion trong con cừu và con người. Con người thì 5 cho tới 20 năm sau căn bệnh mới phát tác. Năm tới hai mươi năm sau ta mới biết đã là quá trễ rồi.
Những điều tôi nói không phải là giả định mà thực tế đã được chứng minh dựa trên công bố ngày 12 tháng Chín 2012 trên Journal Of Comparative Pathology của khoa học gia Gonzales và cộng tác viên ở Anh và Tây Ban Nha . Cái đó cũng giống như công bố trên PLoS One vào ngày 20 tháng Tám 2013 của khoa học gia với các cộng tác viên ở Dussendorf bên Đức.
Điểm thứ hai mà tôi cảnh báo về khả năng gây ung thư, trang số 17 bài tôi viết về Tìm Hiểu Tế Bào Gốc Trong Cuộc Sống, công bố tháng trước, tôi có nói sự thay đổi trong môi trường vi mô của tế bào gốc có thể gây ra ung thư, thí dụ trường hợp ung thư bao tử bởi vi trùng Helicobacter Pylori. Đó là tin tức đầu tiên được nêu ra bằng tiếng Việt. Tôi nói như vậy vì cách đây hai ngày, ngày 6 và ngày 7 tháng Mười 2013, trên tạp chí Nature, một trong ba tạp chí khoa học đứng đầu thế giới, có hai công bố quan trọng đã chứng minh điều này là đúng. Bài thứ nhất của khoa học gia Rompolas, Mesa với Greco của đại học Yale, công bố ngày 6/10/2013. Bài thứ hai của khoa học gia Bessede với cộng tác viên ở đại học Bordeaux bên Pháp, công bố ngày 7/10/2013.
Vấn đề chính cho ngày hôm nay là phòng bệnh hơn chữa bệnh, nhất là hai căn bệnh chính mà tôi nêu trên do sự lạm dụng liệu pháp tế bào gốc, thoái hóa não và ung thư là hai căn bệnh không chữa được.
Sự thật vẫn là tiềm năng sử dụng tế bào gốc trong y khoa tái tạo vẫn còn nằm trong vòng thí nghiệm chứ chưa có hiệu quả thực sự và cũng không chứng minh được là an toàn.
Thanh Trúc: Cảm ơn tiến sĩ Nguyễn Thượng Vũ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét