Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

Bán dân ,đồng thời phạt dân bị bán (lao động Việt xứ Đài Loan)

Lao động Việt ở Đài Loan phản đối nghị định phạt nặng người bỏ trốn

Thanh Trúc, phóng viên RFA 2013-12-18

Công nhân lao động Việt tại Đài Loan biểu tình phản đối Nghị Định 95 ngay trước cơ quan đại diện Việt Nam tại Đài Loan tức  Văn Phòng Kinh Tế Và Văn Hóa Việt Nam tại thủ đô Đài Bắc
Công nhân lao động Việt tại Đài Loan biểu tình phản đối Nghị Định 95 ngay trước cơ quan đại diện Việt Nam tại Đài Loan tức Văn Phòng Kinh Tế Và Văn Hóa Việt Nam tại thủ đô Đài Bắc
RFA
Nghe bài này
Xuất khẩu lao động là chính sách được Việt Nam áp dụng và thực hiện hai thập niên qua, đến công nhân đến những thị trường có nền công nghiệp phát triển như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Indonesia, Cộng Hòa Czech , các Tiểu Vương Quốc Ả Rập vân vân…
Không ai có thể chối cãi là vào khi công việc trong nước gặp nhiều khó khăn, nông dân mất dần đất canh tác do đô thị hóa và công nghiệp hóa, xuất khẩu lao động là con đường thoát nghèo cho rất nhiều thanh niên nam nữ ở nông thôn.
Phạt hay bóc lột?

Với kế hoạch này, từ 1998, các công ty môi giới chuyên lo thủ tục xuất cảnh cho người lao động, hoặc quốc doanh hoặc tư nhân, mọc lên như nấm sau mưa. Cũng từ thực tế đó, công nhân muốn đi nước ngoài làm việc phải chịu một cổ đôi ba tròng vì những số tiền mà các cơ sở trung gian tinh toán với họ, được gọi là phí lao động nước ngoài.
Số liệu trên báo Tuổi Trẻ ra ngày 19 tháng Hai năm 2013, thống kê biểu giá qui định đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan là 4.500 đến 5.000 đô la trên một đầu người, thế nhưng mức thực tế mà công nhân phải trả khi qua hai ba đầu môi giới cho đến lúc lên máy bay là 7.000 đô la.
Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị Định 95, trong đó Chương IV, Điều 35, Khoản 2 qui định phạt từ tám chục triệu đồng (80.000.000 VND) đến một trăm triệu (100.000.000 VND) đối với lao động bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng
Mức phí qui định đi Hàn Quốc là 1.500, 2.700 đến 3000 USD/người, trên thực tế là 4.000 UDS hoặc hơn.
Cũng vậy, mức phí qui định đi Nhật Bản là 4000 USD/ người, nhưng mức thực tế là 10.000 đô la.
Do phải trả mức phí môi giới cao, công nhân xuất khẩu lao động, vốn toàn người nghèo, lâm cảnh nặng nợ khi ra đi, để rồi nếu chẳng may gặp những cảnh bất ưng như bị chủ bóc lột sức lao động, tiền lương không đúng với mức ký trong hợp đồng, công việc không ổn định… thì bỏ trốn ra ngoài kiếm việc khác và đương nhiên trở thành bất hợp pháp. Tình trạng này kéo dài bao năm mà không được các phía trách nhiệm giải quyết rốt ráo, các trường hợp vi phạm hợp đồng tiếp tục xảy ra khiến chính phủ các quốc gia sở tại như Đài Loan hay Nam Hàn phải đặc biệt lưu ý.
Tháng Tám 2013, chính phủ Việt Nam ban hành Nghị Định 95, trong đó Chương IV, Điều 35, Khoản 2 qui định phạt từ tám chục triệu đồng(80.000.000 VND) đến một trăm triệu(100.000.000 VND) đối với lao động bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng. Linh mục Nguyễn Văn Hùng, giám đốc Văn Phòng Hỗ Trợ Pháp Lý Cho Công Nhân Và Cô Dâu Việt Ở Đào Viên, Đài Loan, cho rằng đây là mức phạt quá nặng, không có tình cũng không có lý:
Công ty môi giới, để bảo vệ cho họ, thì họ mời công an đến. Công an đến thì họ quay phim, họ nói với sự chứng giám của công an và sự hiện diện của công ty môi giới thì công nhân lao động chỉ đóng 4.500 thôi. Nhưng thực tế là trước đó họ dẫn qua một phòng khác là phải trả số tiền sáu ngàn, sáu ngàn rưỡi, bảy ngàn hoặc bảy ngàn rưỡi rồi.
Cha Hùng trao kiến nghị của công nhân cho đại diện chính phủ thuộc cơ quan đại diện Việt Nam tại Đài Loan. RFA
Cha Hùng trao kiến nghị của công nhân cho đại diện chính phủ thuộc cơ quan đại diện Việt Nam tại Đài Loan. RFA

họ nói với sự chứng giám của công an và sự hiện diện của công ty môi giới thì công nhân lao động chỉ đóng 4.500 thôi. Nhưng thực tế là trước đó phải trả số tiền 6.000..7.000. Như vậy thì không thể nào mà giải quyết được chuyện công nhân bỏ trốn,không bỏ trốn mới là cái điều lạ
LM.Nguyễn Văn Hùng
Đây là hiện tượng rất mới và đó là cách làm việc, cách đối xử với người lao động của công ty môi giới quốc doanh Việt Nam hoặc tư nhân. Như vậy thì không thể nào mà giải quyết được chuyện công nhân bỏ trốn,không bỏ trốn mới là cái điều lạ. Dù chúng tôi đã khuyên ngăn đã cản họ là đừng bao giờ bỏ trốn để rồi quyền lợi của mình bị thiệt thòi.
Trốn ra ngoài là điều cực chẳng đã
Thanh Trúc cũng gặp được 3 công nhân qua Đài Loan từ 2010, 2011 và 2012, cả ba đều cho rằng Nghị Định 95 là quá ác đối với người vì hoàn cảnh mà vi phạm. Anh Nam, quê ở Thanh Hoá, trả 6.800 đô la để sang Đài Loan năm 2010:
Trên giấy tờ thì 4.500 thôi, lúc đi mình đóng cho môi giới 4.500 thôi chứ còn tất tần tật nó tính tiến phí này phí nọ tiền này tiền nọ tất cả là 6.800. Môi giới nói khi nào công an đến hỏi cung đi hết mấy ngàn thì cứ nói là 4.500 chứ đừng nói thêm, nói thêm là không bay được.
Đi thì vay mượn tiền ngân hàng rất là nhiều, sang bên này thì công việc không ổn định, không làm được để trả số nợ ngân hàng thì bắt buộc phải trốn thôi. Bây giờ như em là ở trong hợp đồng chứ nếu mà trốn ra rồi về nước là phạt 80 triệu đến 100 triệu tiền Việt, là 5.000 đô đấy.
Chị Hải cũng ở Thanh Hóa, qua Đài Loan tháng Tư 2012 với số tiền trên giấy tờ là 5.500 đô la. Bỏ trốn ra ngoài vì bị chủ tính tiền lương thiếu và cũng không trả tiền tăng ca, chị Hải nói:
Trên giấy tờ thì 4.500 thôi, lúc đi mình đóng cho môi giới 4.500 thôi chứ còn tất tần tật nó tính tiến phí này phí nọ tiền này tiền nọ tất cả là 6.800. Môi giới nói khi nào công an đến hỏi cung đi hết mấy ngàn thì cứ nói là 4.500 chứ đừng nói thêm, nói thêm là không bay được
Anh Nam
Bên Việt Nam là ký 2500 tiền ăn, lúc chuẩn bị đi đóng visa là ký thêm 2.500, còn bắt đầu môi giới đến đón lên sân bay là bắt ký lại tiền ăn 3.000. Sang bên này thì lại trừ 3.000 nhưng có người không ký lại mà vận trừ 3.000, nghĩa là mỗi tháng trừ mà. Họ trừ như thế là trừ sai, với lại tiền tăng ca thứ Bảy là bọn em không được tính.
Vì bọn em sang bên này mất quá nhiều tiền, công việc không ổn định, lương ít mà các khoản trừ thì nhiều. Môi giới bên Việt Nam cứ nói là sang bên này làm nghĩa là tăng ca nhiều, họ có nói thật đâu, thu tiền thì cao nhưng mà sang bên này thì có tăng ca đâu. Cũng cùng một công ty, đi cùng một đợt mà có người 5.500, có người 6.000, cứ qua nhiều cầu thì lệ phí lại càng tăng lên.
Người thứ ba, chị Phương, quê ở Hải Dương, mới sang năm nay và vẫn còn trong hợp đồng:
Em đóng hết 5.200 nhưng mà thực tế trong giấy thì môi giới bên Việt Nam chỉ cho bọn em ghi vào giấy là 4.500 thôi. Trước khi bọn em đóng để bay và ký hợp đồng thì môi giới nói là ví dụ công an hoặc bất cứ một người nào ở Bộ Lao Động hỏi thì chỉ được phép nói là mức nộp cho môi giới để hoàn tất thủ tục bay sang Đài Loan là 4.500, thế nhưng thực tế trong tiền bọn em đóng có người thì 5.000, có người 5.200, có người 5.500 rồi 6.000 cũng có , trong cùng một đơn hàng.
Bọn em đi thì phải vay sổ đỏ, một mình em đi phải mất 3 cái sổ đỏ em mới đủ sang Đài Loan. Lúc đấy tiền ăn của bọn em ký hợp đồng chỉ có 2.500, nhưng đến lúc trên đường ra đến sân bay để làm thủ tục bay thì môi giới lại ép bọn em là phải ký 3.000 tiền ăn. Sang đến Đài Loan thì không ký lại mà vẫn cứ đòi trừ 3.000.
Những con số nhập nhằng, những mức phí không đồng đều mà giao động hơn kém giữa người này với người khác là chuyện đã từng và vẫn là cái vòng luẩn quẩn mà nhiều phần công nhân xuất khẩu lao động cảm thấy người của công ty môi giới coi họ như những kẻ khờ khạo dễ bị gạt. Có người thậm chí không biết cả tên tuổi của môi giới là gì:
Em cũng chỉ lên làm thủ tục có một hai lần, cũng không nhớ nó là “Vinagrimex” hay gì đấy. Nó chỉ là một chi nhánh nhỏ thôi chứ không phải một công ty đâu.
Đọc lại trong hợp đồng nội của bọn em thì nói là phí ăn ở có thể được trừ từ 2.500 đến 5.000 tiền Đài, nhưng với điều kiện là nếu vượt quá 2.500 thì phải được xác nhận của Bộ Lao Động, không biết đúng hay sai thỉ em cũng đang nhờ mọi người giúp đỡ.
Cũng như anh Nam và chị Phương, nhiều người sang Đài Loan làm việc mà trốn ra ngoài là điều cực chẳng đã, khi mà hoàn cảnh làm việc không diễn ra đúng như những gì họ đã ký trong hợp đồng. Nếu được nhà nước và các công ty môi giới giúp đỡ lúc gặp khó khăn thì chắc chắn chẳng ai muốn phá hợp đồng:
Ra thì vất vả và nguy hiểm nữa, về lại phạt từng ấy tiền, thế nên bây giờ em cũng chưa biết làm như thế nào, em cũng chỉ mong văn phòng ở bên này với lại chính phủ hai nước sao mà giúp đỡ bọn em hủy bỏ đi cái vấn đề đấy.
Một qui định bất công và vô nhân đạo
Chưa có một quốc gia nào bắt người công nhân phải trả một số tiền lớn cho công ty môi giới rồi sau đó lại bắt người ta phải đóng tiền gọi là tiền chống trốn như chính phủ Việt Nam
Còn theo linh mục Nguyễn Văn Hùng, đang giúp đỡ về mặt pháp lý cho những anh chị em lao động Việt gặp trở ngại trong công việc hoặc bị chủ sử dụng bóc lột sức lao động, Nghị Định 95 là cách đối xử hà khắc của chính quyền đối với công nhân lao động cô thế ở Đài Loan:
Cách đây mới có 3 hôm là có một công nhân qua bên này với giá 7.500 đô la. Người ta làm ở một công ty mà người ta bị bóc lột bị ngược đãi, tiền lương không như ở bên công ty môi giới Việt Nam hứa, họ không còn cách nào khác hơn là phải trốn ra ngoài làm kiếm tiền trả nợ. Khi về nước thì họ bị phạt một số tiền lớn nữa và tôi cũng nghe phong phanh là nếu những người đó không trả thì nhà nước sẽ bắt gia đình của họ vô tù.
Tôi nghĩ Nghị Định 95 vừa không nhân đạo vừa tạo thêm sự đau khổ cho công nhân lao động Việt Nam, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bóc lột sức lao động con người ngày càng trầm trọng hơn.
Chúa Nhật 10 tháng Mười Hai vừa qua, công nhân lao động Việt tại Đài Loan biểu tình và họp báo để chống lại Nghị Định 95 ngay trước cơ quan đại diện Việt Nam tại Đài Loan tức Văn Phòng Kinh Tế Và Văn Hóa Việt Nam tại thủ đô Đài Bắc:
Nghị Định 95 như một giọt nước làm tràn ly, làm cho chúng tôi cảm thấy phải lên tiếng, còn giữ im lặng thì sự bất công tiếp tục mà dư luận quốc tế và dư luận Đài Loan không hiểu chuyện này.
Có một số chi tiết cụ thể tôi nghĩ cần để ý. Thứ nhất, chưa có một quốc gia nào có công nhân lao động ở Đài Loan cũng trốn ra ngoài, mà đưa ra một qui định bất công và vô nhân đạo như chính phủ Việt Nam.
Thứ hai, chưa có một quốc gia nào bắt người công nhân phải trả một số tiền lớn cho công ty môi giới rồi sau đó lại bắt người ta phải đóng tiền gọi là tiền chống trốn như chính phủ Việt Nam.
Điều thứ ba tôi cũng muốn nhấn mạnh ở đây là cái hỗ trợ và nỗ lực của đại diện chính quyền Việt Nam tại Đài Loan, để mà quan tâm và để mà tìm hiểu lý do tại sao công nhân lao động Việt Nam bỏ trốn nhiều hơn những công nhân của các quốc gia khác.
Tham dự buổi biểu tình và họp báo hôm Chúa Nhật ngày 10 trước Văn Phòng Kinh Tế Và Văn Hóa Việt Nam tại Đài Bắc có sự phối hợp của Trợ Lực Di Dân Đài Loan, một mạng lưới gồm 12 tổ chức phi chính phủ, trong đó Văn Phòng Hỗ Trợ Pháp Lý Cho Công Nhân Và Cô Dâu Việt Nam là một, rồi Trung Tâm Hy Vọng, Trung Tâm Di Dân tại Tân Trúc, Văn Phòng Quốc Tế Lao Động TIWA Đài Loan, Tổ Chức Caritas Đài Loan. Ngoài ra còn có sự hiện diện cua báo chí, đài truyền thanh và truyền hình địa phương:
Trước khi tổ chức cuộc biểu tình thì chúng tôi đã thông báo cho chính phủ Đài Loan và địa phương, nhờ họ thông báo với Văn Phòng Kinh Tế Văn Hóa Việt Nam là cho một đại diện xuống để nhận kiến nghị của chúng tôi. Nếu trường hợp họ không cho người xuống thì chúng tôi xin phép lên tận văn phòng của họ để trao kiến nghị của chúng tôi.
Trong thời gian họp báo tại chỗ, linh mục Nguyễn Văn Hùng trình bày tiếp, ông đã đại diện công nhân Việt tại Đài Loan để đưa ra 3 đề nghị. Thứ nhất là yêu cầu chính phủ Việt Nam hủy bỏ qui định phạt từ 80 triệu đến 100 triệu đồng đối với công nhân qua Đài Loan mà bỏ trốn ra ngoài. Thứ nhì, đề nghị chính phủ Việt Nam tích cực trợ giúp người lao động Việt Nam tại Đài Loan giải quyết chuyện họ bỏ trốn, và thứ ba chính phủ phải bằng mọi cách giảm tiền thu phí đi xuất khẩu lao động mà các công ty môi giới tùy tiện ấn định:
Trong thời gian mà chúng tôi biểu tình và họp báo thì quan chức Việt Nam có xuống đứng trước cửa để quay phim và chụp ảnh. Sau đó, đến phần trao kiến nghị thì có một đại diện của Văn Phòng Kinh Tế Văn Hóa Việt Nam ra nhận. Chúng tôi có hỏi tên và chức vụ thì người đó nói là không đủ thẩm quyền để trả lời và bỏ đi lên văn phòng.
Vừa rồi là câu chuyện về phản ứng của công nhân lao động Việt Nam tại Đài Loan, đối với Nghị Định 95 mà chính phủ Việt Nam ban hành nhằm xử phạt nặng tiền những lao động pha hủy hợp đồng đã ký trước khi đi.
Thanh Trúc sẽ trở lại cùng quí vị tối thứ Năm tuần tới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét