Chủ Nhật, 9 tháng 3, 2014

Máy bay Malaysia rơi: Khu trục hạm Mỹ đến Việt Nam tham gia tìm kiếm

Máy bay Malaysia rơi: Khu trục hạm Mỹ đến Việt Nam tham gia tìm kiếm

Khu trục hạm Mỹ USS Pinckney.
Khu trục hạm Mỹ USS Pinckney.
wikipedia

Thụy My
Theo tin từ Lầu Năm Góc, một khu trục hạm của Đệ thất Hạm đội Hoa Kỳ, chiếc USS Pinckney đang trên đường đến vùng biển Nam Việt Nam để hỗ trợ cho việc tìm kiếm chiếc Boeing 777 của hãng Malaysia Airlines bị mất tích hôm nay 08/03/2014. Thông cáo của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết, khu trục hạm này đang tham gia tập trận tại hải phận quốc tế ở Biển Đông, có thể đến gần nơi chiếc máy bay bị nạn trong 24 tiếng đồng hồ. Chiếc USS Pinckney mang theo hai máy bay trực thăng trang bị các thiết bị hỗ trợ và tìm kiếm.

Một phi cơ thám sát P-3C Orion trang bị radar và thiết bị tìm kiếm tầm xa cũng đang chuẩn bị rời căn cứ không quân Mỹ ở Okinawa, Nhật Bản.
Về phía Pháp, Bộ trưởng Giao thông sáng nay đề nghị giúp đỡ chính quyền Việt Nam và Malaysia để tìm xác chiếc máy bay, thông qua Cơ quan Điều tra Tai nạn chuyên điều tra trong ngành hàng không dân dụng tại Pháp. Bộ Ngoại giao thiết lập một đường dây thông tin dành cho thân nhân các hành khách của chuyến bay này, đại sứ quán Pháp ở Bắc Kinh và Kuala Lumpur sẵn sàng hỗ trợ.
Chuyến bay MH370 chở theo 227 hành khách thuộc 14 quốc tịch, trong đó có 4 người Pháp và 3 người Mỹ cùng với 12 nhân viên phi hành đoàn đã bị mất liên lạc hôm nay với kiểm soát không lưu, ở giữa miền đông Malaysia và miền nam Việt Nam, nhưng không hề gởi tín hiệu cấp cứu.
Một người Ý và một người Áo có tên trong danh sách hành khách nhưng lại không hề lên chuyến bay bị nạn, vì hộ chiếu của họ bị mất cắp.

Luigi Maraldi, 37 tuổi, người Ý có tên và số hộ chiếu được công bố trong danh sách nạn nhân, từ Thái Lan đã gọi điện về trấn an người cha là mình còn sống. May thay, người cha chỉ coi tivi sau cuộc điện thoại của con trai. Cảnh sát Cesena đến nhà báo tin buồn đúng lúc Maraldi gọi điện về cho biết bị mất hộ chiếu ở Thái Lan.
Tương tự đối với một người Áo mà danh tính không được tiết lộ. Martin Weiss, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Áo cho biết đã liên lạc được với người này, hồi năm 2012 bị lấy cắp hộ chiếu khi đi du lịch Thái Lan, hiện đang sống mạnh khỏe ở Áo.

____________________

Máy bay mất tích : Malaysia nghi ngờ khủng bố

Tàu hải quân Việt Nam tại đảo Phú Quốc tham gia tìm kiếm chiếc máy bay mất tích của Malaysia Airlines, ngày 9/3/2014.
Tàu hải quân Việt Nam tại đảo Phú Quốc tham gia tìm kiếm chiếc máy bay mất tích của Malaysia Airlines, ngày 9/3/2014.
REUTERS/Nguyen Phuong Linh

Thanh Hà
Một ngày sau vụ chuyến bay MH370 của hãng Malaysia Airlines mất tích, hôm nay (09/03/2014) chính quyền Kuala Lumpur ra lệnh điều tra về khả năng chiếc máy bay mất tích là mục tiêu tấn công khủng bố. Nghi ngờ của giới điều tra tập trung vào 4 trong số 227 hành khách của chuyến bay Kuala Lumpur  tới Bắc Kinh.

Bộ trưởng Giao thông Malaysia, Hishammuddin Hussein, thông báo đã huy động cơ quan tình báo Malaysia và cung cấp thông tin với tất cả các cơ quan chống khủng bố tại các nước liên quan. Giới điều tra đã phát hiện ra 4 trường hợp đáng khả nghi. Trong số đó có hai người sử dụng hộ chiếu của hai nước châu Âu nhưng đó là hai hộ chiếu đã bị đánh cắp.
Chủ nhân của hai hộ chiếu đó – một là người Ý, và một là công dân Áo- đã khai báo với cảnh sát là họ bị mất hộ chiếu tại Thái Lan vào năm 2012 và 2013. Cả hai người này đều đã không có mặt trong chuyến bay. Lãnh đạo ngành hàng không dân sự Malaysia, Azharuddin Abdul Rahman, cho biết hệ thống video đã thu hình của hai nhân vật « đáng nghi ngờ ».
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào, người sử dụng hai hộ chiếu đó đã xin được giấy nhập cảnh vào Trung Quốc. Đây là một thủ tục bắt buộc và xin visa vào Trung Quốc không phải là chuyện dễ. Có nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tham gia vào công cuộc điều tra.
Hiện tại, phía Malaysia đã làm việc trực tiếp với Cục điều tra Liên bang FBI của Hoa Kỳ, do có ba công dân Mỹ trong số 227 hành khách trên chuyến bay của hãng hàng không Malaysia Airlines vừa mất tích hôm qua. Trước mắt phía Hoa Kỳ cho là còn quá sớm để xác định đây có phải là một vụ tấn công khủng bố hay không.
Công tác tìm kiếm vẫn tiếp tục
Khoảng 1 giờ sau khi cất cánh, chuyến bay MH370 đã biến mất khỏi màn hình radar vào lúc 2 giờ 40 phút ngày 08/03/2014 giờ địa phương. Trên chiếc Boeing 777, gồm 12 nhân viên phi hành đoàn và 227 hành khách gồm 14 quốc tịch khác nhau, trong đó có 153 người Trung Quốc, 38 công dân Malaysia, 4 kiều dân Pháp và 3 người Mỹ.
Một số nguồn tin cho rằng phi hành đoàn đã tìm cách quay trở lại phi trường quốc tế Kuala Lumpur trước khi biến mất khỏi màn hình radar. Các chuyên gia không hoàn toàn nhất trí về giả thuyết nói trên.
Trong khi đó công việc tìm kiếm tiếp tục diễn ra. Sau khi tập trung tại khu vực ở miền đông Malaysia, nỗ lực đã được mở rộng đến khu vực ở miền tây và cầu viện Indonesia hỗ trợ. Hiện tại có khoảng 40 chiếc tàu và hơn 20 máy bay đến từ nhiều quốc gia trong đó có Trung Quốc, Mỹ, Việt Nam, Malaysia, Philippines đang tham gia công tác tìm kiếm. Trước mắt các bên vẫn chưa tìm thấy vết tích của chiếc Boeing 777 nói trên. Hãng hàng không Malaysia Airlines lo ngại « kịch bản xấu nhất » xảy ra.
Cơ trưởng chuyến bay  Kuala Lumpur - Bắc Kinh là một người giàu kinh nghiệm, làm việc cho tập đoàn này từ năm 1981. Chiếc Boeing 777 của Malaysia Airlines đã đi vào hoạt động từ 11 năm qua. Chiếc máy bay này đã bị gãy cánh vào năm 2012 do va chạm với một chiếc máy bay của Trung Quốc tại phi trường Thượng Hải. Nhưng theo Malaysia, sự cố đó đã được khắc phục, cánh máy bay đã được sửa chữa.

_____________________

Máy bay Malaysia mất tích với 239 người, 4 nước đang tìm kiếm ở vùng đảo Thổ Chu, ngoài khơi Việt Nam

Đài kiểm soát không lưu sân bay quốc tế Sepang, Kuala Lumpur, và cờ của Malaysia Airlines, chụp ngày 08/03/2014. Chiếc máy bay của Malaysia Airlines bị nạn xuất phát từ sân bay này.
Đài kiểm soát không lưu sân bay quốc tế Sepang, Kuala Lumpur, và cờ của Malaysia Airlines, chụp ngày 08/03/2014. Chiếc máy bay của Malaysia Airlines bị nạn xuất phát từ sân bay này.
Reuters

Thụy My
Một chiếc máy bay Boeing 777 của hãng Malaysia Airlines chở theo 239 người hôm nay 08/03/2014 đã bị mất liên lạc tại Biển Đông chưa đầy một giờ sau khi cất cánh từ Kualar Lumpur. Việt Nam, Malaysia và Singapore đang tập trung tìm kiếm tại khu vực phía nam đảo Thổ Chu. Một phi cơ của Hải quân Việt Nam phát hiện vệt giống như dầu loang dài 20 km tại khu vực tìm kiếm, nghi là của chiếc máy bay bị nạn.

Cất cánh từ Kuala Lumpur lúc 00g21 (16g21 GMT 7/3), mười hai tiếng đồng hồ sau thời điểm hạ cánh dự kiến tại Bắc Kinh, chiếc máy bay vẫn biệt tích. Malaysia Airlines nói rằng không thể khẳng định được máy bay đã bị rớt nhưng tuyên bố “hết sức đau buồn” và liên lạc với thân nhân của 227 hành khách.
Tại Việt Nam, Chuẩn đô đốc Ngô Văn Phát cho biết máy bay có thể đã bị rơi xuống vùng biển Malaysia, nhưng Bộ trưởng Giao thông Malaysia Hishamuddin Hussein nói rằng không tìm thấy mảnh vỡ nào, và sẽ làm mọi cách để xác định vị trí máy bay. Theo Tân Hoa Xã, các hoạt động tìm kiếm của Việt Nam, Malaysia và Singapore tập trung vào vùng đảo Thổ Chu của Việt Nam.
Báo chí Việt Nam đưa tin một phi cơ của Hải quân vào lúc 16g34 địa phương đã phát hiện một vệt giống như dầu loang dài 20 km tại khu vực nghi ngờ bị nạn. Hiện Việt Nam đã huy động 16 phương tiện tàu bè và máy bay tìm kiếm cùng với Malaysia, Trung Quốc điều 2 tàu, Philippines gởi 3 tàu hải quân và một phi cơ thám sát.
Tiếp xúc cuối cùng với chuyến bay MH370 vốn chưa từng gởi tín hiệu báo nguy, là ở 120 hải lý ngoài khơi Kota Bharu phía duyên hải Malaysia, gần vịnh Thái Lan. Trang web flightaware.com cho biết sau khi cất cánh, phi cơ bay về phía đông bắc ở độ cao 10.660 m.
Đến 17g21 GMT chiếc Boeing 777 đã không báo hiệu cho kiểm soát không lưu Việt Nam, trong khi đang bay trên biển giữa Malaysia và Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Bùi Văn Võ, quan chức Hàng không dân dụng Việt Nam nói: “Mã số của chuyến bay này không xuất hiện trên hệ thống của chúng tôi”. Hàng không dân dụng Trung Quốc thì khẳng định máy bay mất liên lạc tại không phận Việt Nam.
Hầu hết hành khách của chiếc Boeing 777-200ER là người Trung Quốc (152 người), ngoài ra còn 14 quốc tịch khác trong đó có 3 người Pháp, 3 người Mỹ, 38 người Malaysia, 12 người Indonesia, 7 người Úc. Phi hành đoàn gồm 12 người, trên máy bay còn có 12 em bé.
Nếu tin máy bay bị rơi được xác nhận, đây sẽ là tai nạn trầm trọng nhẩt của một chiếc Boeing 777-200 ER từ khi loại máy bay này được đưa vào sử dụng vào năm 1995. Một chiếc khác cùng loại của hãng Asiana Airlines đã bị rơi khi hạ cánh xuống San Francisco hôm 06/07/2013, làm 3 hành khách tử nạn và 180 người khác bị thương.
Hãng hàng không Malaysia Airlines ít khi bị tai nạn. Vụ trầm trọng nhất từ 66 năm qua xảy ra vào năm 1977 tại miền nam Malaysia, làm 100 người thiệt mạng. Thêm một tai nạn mới sẽ là một đòn đau đối với hãng hàng không đang thua lỗ nhiều năm qua do bị công ty hàng không giá rẻ AirAsia cạnh tranh.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét