Thứ Tư, 8 tháng 1, 2014

Hóa giải công hàm Phạm Văn Đồng 1958? ( RFA)

Hóa giải công hàm Phạm Văn Đồng 1958?

Nam Nguyên, phóng viên RFA 2014-01-07

Untitled-2.jpg
Công hàm Phạm Văn Đồng 1958
Photo courtesy of cpv.org.vn


Công hàm Phạm Văn Đồng 1958, công nhận hải phận 12 hải lý từ đất liền Trung Quốc kể cả các đảo ngoài khơi, được Bắc Kinh tận dụng cho chiến lược cưỡng đoạt chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa. Việt Nam đã làm gì để hóa giải điều gọi là khúc xương mắc nghẹn này.
Sau 53 năm im lặng không nhắc lại thư ngoại giao năm 1958 của thời kỳ hữu hảo xã hội chủ nghĩa giữa Việt Nam và Trung Quốc, đến tháng 7/2011 Hà Nội bắt đầu sử dụng báo chí để công khai nội dung công hàm ngày 14/9/1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, bày tỏ sự tán thành tuyên bố trước đó 10 ngày của Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai.

Tuy vậy giới quan sát cho rằng, cách đây 3 năm Hà Nội vẫn khá dè dặt khi chỉ sử dụng một tờ báo của Mặt trận Tổ Quốc là Đại Đoàn Kết cho phát súng lệnh, chứ chưa đưa những tờ báo chủ lực vào chiến dịch hóa giải nội dung công hàm Phạm Văn Đồng. Đến nay vào thời điểm tưởng niệm 40 năm Trung Quốc xâm chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, sau trận hải chiến ngày 17/1/1974 đánh bại Hải quân VNCH, Hà Nội được cho là đã hóa giải phần nào dư luận trong nước thông qua truyền thông báo chí trong ba năm vừa qua.
Trả lời Nam Nguyên vào tối 06/01/2014, Tiến Sĩ Trần trường Thủy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông trụ sở ở Hà Nội nhắc lại,  tại  Diễn đàn Biển Đông ở Thủ đô Hoa Kỳ, Trung Quốc vẫn dùng Công hàm 1958 của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng về việc thừa nhận chủ quyền Trung Quốc ở các quần đảo trên Biển Đông Việt Nam. Theo TS  Thủy, lập luận của Việt Nam là công hàm đó không phải là thừa nhận chủ quyền mà chỉ thừa nhận hải phận 12 hải lý của Trung Quốc và không có một từ nào nói đến Hoàng Sa hay Trường Sa. Đối với hoạt động nở rộ của báo chí hiện nay liên quan đến việc Trung Quốc xâm chiếm Hoàng sa năm 1974 sau khi đánh bại hải quân VNCH. TS Trần Trường Thủy nhận định là, hiện nay trên một góc độ nào đó báo chí có nhiều tự do hơn khi đề cập tới vấn đề Biển Đông.
Năm nay là năm đặc biệt, năm kỷ niệm 40 năm, thông thường những năm chẵn thì truyền thông hay đề cập đậm những vấn đề ấy. Liên quan đến Hoàng Sa thì rõ ràng thời kỳ ấy trước năm 1975 chính quyền VNCH quản lý Hoàng Sa và sự kiện xảy ra trực tiếp giữa Trung Quốc và chính quyền VNCH. Cho nên là các đề cập liên quan đến quản lý và các trận chiến và sự hy sinh của những người lính VNCH là thực tế khách quan.

Không có giá trị pháp lý?

cpv.org-250.jpg
Cựu thủ tướng Phạm Văn Đồng
Trò chuyện với chúng tôi, TS Nguyễn Nhã một nhà nghiên cứu Biển Đông hiện sống và làm việc ở Saigon lập luận rằng công hàm Phạm Văn Đồng 1958 không có giá trị pháp lý mà chỉ mang ý nghĩa hậu thuẫn chính trị trong giai đoạn hai phe đối đầu ở Việt Nam. Lúc đó chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa thuộc về VNCH. TS Nguyễn Nhã tiếp lời:
Theo Hiệp định Geneve (1954) mà Trung Quốc đã ký, về mặt pháp lý quốc tế Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có trách nhiệm quản lý phần lãnh thổ phía Nam. Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, chính quyền đã tuyên bố khẳng định chủ quyền của Việt Nam rồi. Về mặt pháp lý quốc tế phù hợp, chính quyền có thẩm quyền quản lý Hoàng Sa Trường Sa liên tục, từ nhà Nguyễn tới thời Pháp thuộc trong đó có nhiều chính phủ khác nhau và như vậy cho đến sau khi thống nhất các chính phủ có thẩm quyền đều khẳng định chủ quyền của mình và thực thi liên tục không đứt đoạn, vấn đề này thể hiện giá trị pháp lý quốc tế.
Kể từ khi Nhà nước CHXHCN Việt Nam phá vỡ bức tường im lặng về nội dung công hàm Phạm Văn Đồng 1958, nhà nghiên cứu Biển Đông Hoàng Việt một giảng viên về Luật Quốc tế ở TPHCM là người có những đột phá mạnh mẽ nhất khi ông luôn luôn nói thẳng vào vấn đề.
Theo Hiệp định Geneve (1954) mà Trung Quốc đã ký, về mặt pháp lý quốc tế Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có trách nhiệm quản lý phần lãnh thổ phía Nam.
- TS Nguyễn Nhã
Không có ông nào ở miền Bắc lúc đó có quyền nói về công nhận Hoàng Sa Trường Sa được cả. Bởi vì lúc đó theo Hiệp định Geneve 1954 chia đôi hai miền Nam Bắc, rõ ràng là một bên từ vĩ tuyến 17 trở ra là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa; một bên từ vĩ tuyến 17 trở vào là Việt Nam Cộng Hòa. Rõ ràng hai quần đảo Hoàng Sa Trường Sa thuộc về Việt Nam Cộng Hòa còn Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thì có tư cách gì mà nói đến.
Trung Quốc viện dẫn Công hàm Phạm Văn Đồng để nói rằng Việt Nam công nhận chủ quyền Trung Quốc trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo Thạc sĩ Hoàng Việt điều quan trọng là nội dung công hàm Phạm Văn Đồng có cấu thành một tuyên bố được thừa nhận hay không? Theo luật pháp quốc tế nếu một bên đã ra một tuyên bố thì không thể nói ngược lại cái tuyên bố của mình và ảnh hưởng tới lợi ích của bên kia. Tuy nhiên Trung Quốc rất khó chứng minh được điều này.
Nhiều người cho rằng có hay không có công hàm Phạm Văn Đồng thì Trung Quốc cũng vẫn thực hiện mưu đồ chiếm lĩnh Biển Đông, bao gồm các quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam. Tại sao Bắc Kinh luôn đặt điều kiện đàm phán song phương và né tránh mọi tranh tụng tại Tòa án Quốc tế. TS Trần Trường Thủy vắn tắt nhận định:
Cách thức mà Trung Quốc sử dụng biện pháp song phương, một là truyền thống ngoại giao của họ quen xử lý các vấn đề song phương; thứ hai, theo tôi nghĩ và theo các nhà quan sát thì Trung Quốc thấy được họ là bên mạnh hơn nên trong giải quyết song phương họ có nhiều ưu thế hơn. Tuy vậy đấy là về mặt lý thuyết trên thực tiễn thì nó còn thuộc nhiều yếu tố. Còn Trung Quốc không đồng ý đưa ra tòa vì như thế không còn là song phương và Trung Quốc có thể không chắc chắn về các lập luận của mình về pháp lý để mà đưa ra tòa. Họ phải chắc chắn thì họ mới chấp nhận.
Những phát biểu vừa nêu cho thấy các học giả, chuyên gia nghiên cứu Biển Đông có chung lập luận là công hàm Phạm Văn Đồng không có giá trị pháp lý ràng buộc. Nếu có tranh tụng ra Tòa án Quốc tế thì Trung Quốc sẽ không dành phần thắng. Bởi vì ông Phạm Văn Đồng qua công hàm đó không có sự cam kết rành mạch về chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa, hơn nữa người sở hữu Hoàng Sa-Trường Sa lúc đó được quốc tế công nhận là VNCH. Và quan trọng hơn cả người ta không thể bán hay cho một cái gì mà mình không có.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét