Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

Cần chú ý thông tin gì về bệnh sởi tại VN hiện nay?

Việt Hà, phóng viên RFA 2014-04-15

1-39518-305.jpg
Tiêm ngừa sởi cho trẻ tại Yên Bái, ảnh chụp tháng 3 năm 2014.
Courtesy SKDS


Trong các tháng gần đây, tại nhiều tỉnh thành ở Việt Nam đã xuất hiện hàng ngàn các ca bệnh sởi ở trẻ trong đó có nhiều trường hợp biến chứng nặng, thậm chí dẫn đến tử vong. Vậy các phụ huynh cần chú ý đến những thông tin gì về bệnh sởi trong thời điểm này, cách phòng tránh ra sao? Mời quý vị tìm hiểu chủ đề này trong trang tạp chí sức khỏe đời sống do Việt Hà phụ trách.

Bùng phát dịch sởi phức tạp

Trong những tháng đầu năm 2014, các bệnh viện ở nhiều tỉnh thành của Việt Nam liên tục tiếp nhận những ca bệnh nhi bị nghi là nhiễm sởi hoặc được xác định đã nhiễm sởi. Điều đáng ngại là có nhiều trường hợp bị biến chứng nặng vào phổi.

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm 2014 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 6.611 ca sốt phá ban dạng sởi, trong đó ghi nhận 2,492 trường hợp được xác định mắc bệnh sởi, có 25 trường hợp đã tử vong. Lo ngại về diễn biến của bệnh sởi, ngày 4 tháng 4 vừa qua, Bộ Y tế đã có công điện khẩn gửi chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường phòng chống bệnh sởi và triển khai ‘kế hoạch triển khai tiêm vaccine phòng chống dịch sởi và tiêm vét vaccine sởi’.
Theo Bộ Y tế, từ cuối năm 2013, và đầu năm 2014, một số nước trên thế giới và trong khu vực cũng đa ghi nhận các trường hợp mắc sởi tăng so với các năm trước. Tại Việt Nam các ca bệnh sởi đã được phát hiện tại 59 tỉnh, thành phố. Bộ Y tế xác định chủ yếu trẻ mắc sởi là do chưa được tiêm vaccine phòng sởi hoặc chưa tiêm đủ mũi quy định. Bác sĩ Trần Tịnh Hiền, nguyên Phó Giám đốc bệnh viện nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh nói:
Vaccine rất có hiệu quả nhưng nó chỉ có hiệu quả 95% cho một liều tiêm và 99% cho hai liều tiêm. Cho nên vẫn có khoảng từ 1% đến 5% người đã được tiêm chủng nhưng vẫn có thể bị nhiễm sởi.
-BS Rosamund Lewis
“Có nhiều lý do để có dịch. Ví dụ thứ nhất tới giờ họ nói tiêm sởi một lần thì phòng được, nhưng gần đây người ta có nghiên cứu cho thấy là phải làm lại mũi thứ hai. Điều thứ hai là cũng có thể do những tai biến trong chủng ngừa nên số lượng chích sởi giảm đi thành ra miễn dịch của cộng đồng, tức là của quần thể trẻ em giảm xuống, nên nó bị bệnh sởi trở lại.”
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, trong tổng số bệnh nhân sởi được ghi nhận trên toàn quốc, có đến 80% bệnh nhân chưa được tiêm phòng.
Theo chương trình tiêm chủng mở rộng của Việt Nam, trẻ được khuyến cáo nên tiêm mũi chủng ngừa sởi đầu tiên khi 9 tháng tuổi. Trẻ được tiêm nhắc lại mũi thứ hai sau 12 tháng tuổi. Ở một số nước khác, trẻ được bắt đầu tiêm chủng ngừa sởi khi 12 tháng tuổi.
Theo các chuyên gia y tế, bên cạnh nguyên nhân nhiễm sởi do không tiêm phòng, vẫn không thể loại trừ các trường hợp đã tiêm đủ mà vẫn bị nhiễm sởi vì không có một loại vaccine nào có thể cho tỷ lệ miễn nhiễm 100%. Bác sĩ Rosamund Lewis thuộc Cơ quan sức khỏe cộng đồng Ottawa giải thích:
xahoi-dich-soi-1-250.jpg
Phụ huynh đưa các em nhỏ đến khám bệnh và tiêm ngừa sởi tại bệnh viện nhi Trung ương Hà Nội, ảnh chụp tháng 4 năm 2014. Courtesy ĐSPL.
“Bạn có thể thắc mắc tại sao một người đã được chủng ngừa mà vẫn bị sởi. Vaccine rất có hiệu quả nhưng nó chỉ có hiệu quả 95% cho một liều tiêm và 99% cho hai liều tiêm. Cho nên vẫn có khoảng từ 1% đến 5% người đã được tiêm chủng nhưng vẫn có thể bị nhiễm sởi.”
Điều đáng chú ý trong đợt bùng phát bệnh sởi năm nay ở Việt Nam là không những số lượng bệnh nhân nhiễm sởi cao mà còn tình trạng biến chứng nặng ở trẻ. Phó Giáo sư Phạm Nhật An, Phó Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương nói trong một hội nghị về tình trạng bệnh viện quá tải gần đây là trong 40 năm hành nghề, ông chưa từng thấy năm nào có dịch sởi diễn biến nặng như năm nay. Bệnh viện nhi Trung ương đã dành riêng khoa Truyền nhiễm cho điều trị bệnh nhân sởi mà số giường bệnh vẫn không xuể, hơn 200 bệnh nhân biến chứng viêm phổi nặng do sởi vẫn phải nằm ghép 3 đến 4 bệnh nhân một giường.
Mặc dù đã có 90% địa phương ghi nhận có bệnh nhân sởi với số ca mắc cả nước lên đến hàng ngàn, nhưng cho đến lúc này, Việt Nam vẫn chưa tuyên bố có dịch sởi. Trả lời báo Dân Trí hôm 10 tháng 4, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cụ Y tế dự phòng, Bộ Y tế, nói hai tuần trở lại đây, số mắc sởi mới ở các địa phương đang có xu hướng giảm. Ông cũng nói thêm là bùng phát các ca bệnh sởi ở Việt Nam thời gian gần đây không có những diễn biến bất thường vì virut sởi ở Việt Nam chưa có những biến đổi gene khác biệt so với các chủng virut đang lưu hành trong khu vực.

Bệnh sởi có nguy hiểm?

Bệnh sởi là một bệnh nhiễm vi rút có khả năng lây nhiễm nhanh qua tiếp xúc với người mắc bệnh. Giải thích về căn bệnh sởi, bác sĩ nhi khoa Samuel Katz, thuộc trường đại học Duke, Hoa Kỳ giải thích:
“Sởi là một dạng nhiễm virut. Nó thường bắt đầu tấn công vào hệ hô hấp trước, họng, mắt, mũi. Trẻ bị sởi sẽ bị sốt trong vòng 5 đến 6 ngày, rồi trẻ bị chảy nước mắt mà chúng tôi thường gọi là đau mắt đỏ, bị chảy nước mũi, triệu chứng thường được gọi là corrhiza, và ho vì virut đi xuống đường thở. Cho nên có ba triệu chứng chính là đau mắt đỏ, sổ mũi và ho và bị sốt cao, sau đó các vết mẩn ngứa xuất hiện, nó kéo dài khoảng 5 đến 7 ngày. Sau đó các vết mẩn ngứa này lan ra chân tay, cổ, người. sau 4 ngày thì các triệu chứng này giảm dần. Đó là các dấu hiệu của bệnh. Nhưng đó là với trẻ khỏe mạnh không có biến chứng. Nhưng có khoảng 20 đến 30% các trường hợp sẽ bị biến chứng viêm phổi hoặc bị viêm tai giữa.”
Theo bác sĩ Trần Tịnh Hiền, trẻ không được tiêm chủng có thể khiến cho tình trạng biến chứng thêm nặng và có thể dẫn đến tử vong.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới vào năm 2012, bệnh sởi khiến khoảng hơn 120.000 ca tử vong mỗi năm, phần lớn là ở trẻ dưới 5 tuổi.
Sởi là do virut, vì vậy không có một thuốc đặc trị cho bệnh sởi, trừ trường hợp trẻ bị viêm nhiễm do biến chứng từ sởi. Bác sĩ Stephen Cochi, thuộc ban tiêm chủng toàn cầu của Cơ quan Kiểm Soát và Phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) giải thích:
Trẻ bị sởi sẽ bị sốt trong vòng 5 đến 6 ngày, rồi trẻ bị chảy nước mắt mà chúng tôi thường gọi là đau mắt đỏ, bị chảy nước mũi, triệu chứng thường được gọi là corrhiza, và ho vì virut đi xuống đường thở.
-BS Samuel Katz
“Một khi trẻ bị nhiễm sởi thì không có một liều thuốc thần kỳ để điều trị. Nó không giống như các bệnh viêm nhiễm do vi khuẩn khi chúng ta có thể cho trẻ uống thuốc kháng sinh và trẻ có thể khỏi nhanh. Với bệnh sởi thì chỉ có chăm sóc hỗ trợ và chúng ta cho trẻ vitamin A vì thiếu vitamin A có thể làm cho bệnh sởi nặng thêm.”
Theo bác sĩ Trần Tịnh Hiền, trong trường hợp trẻ không may bị mắc bệnh sởi, phụ huynh cần theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ chờ bệnh qua khỏi và chỉ đưa trẻ vào bệnh viện khi có nghi ngờ có dấu hiệu biến chứng để kịp điều trị:
“Phần lớn những bệnh sởi thì mình chỉ chăm sóc vệ sinh, tránh nó bị biến chứng thì cái bệnh của virut tự khỏi, hết chu kỳ thì nó tự khỏi. Chỉ trừ khi nó bị biến chứng do viêm não, hay viêm phổi do bội nhiễm, tiêu chảy gây suy dinh dưỡng ở trẻ thì nó có thể tử vong. Nếu trẻ bị thì mình phải chăm sóc vệ sinh cho trẻ. Nếu thấy có dấu hiệu biến chứng như trẻ lơ mơ, sốt viêm não có dịch, ho nhiều có đàm thì những trường hợp đó bắt buộc phải đưa vào bệnh viện còn chữa nhà không được. Còn các trường hợp khác thì mình có thể chăm sóc ở nhà vì nếu mang hết vào bệnh viện thì cũng không có lợi.”
Việc chủng ngừa sởi được coi là biện pháp quan trọng nhất trong việc giảm thiểu các ca bệnh sởi trong cộng đồng cũng như giảm các rủi ro bị biến chứng do sởi. Bác sĩ Lewis của Trung tâm Sức khỏe Cộng đồng Ottawa đưa ra lời khuyên:
“Trẻ sơ sinh và dưới 1 tuổi rất nhiễm sởi vì bệnh này lây nhiễm rất nhanh và nó có thể gây những biến chứng. Vì thường trẻ được chỉ được tiêm phòng sởi vào 12 tháng tuổi nên bạn nên chủng ngừa cho mình để bảo vệ con bạn, đảm bảo mọi người trong gia đình, cộng đồng mình sinh sống miễn dịch với sởi để bệnh không lây nhiễm cho con bạn. Thứ hai là nếu bạn biết ai đó có thể bị sởi thì nên cố gắng hạn chế tiếp xúc với người đó cho đến khi có kết quả khẳng định là họ có bị sởi hay không. Nên cho trẻ dùng sữa mẹ vì đây là cách phòng viêm nhiễm hiệu quả nhất. Đó là lý do vì sao chúng tôi khuyến cáo các bà mẹ cho con bú sữa mẹ. Trẻ uống sữa mẹ sẽ nhận được các kháng thể qua sữa mẹ và các kháng thể này bao gồm kháng thể với sởi. Vì vậy bạn nên cho trẻ bú sữa mẹ càng lâu càng tốt.”
Trên thực tế, việc tiêm vaccine dù là vaccine sởi hay bất cứ loại vaccine nào cũng có thể có những biến chứng nhất định. Đây là lý do mà một số phụ huynh ở một số nước, bao gồm Việt Nam lựa chọn không cho trẻ tiêm vaccine. Nhưng theo bác sĩ Trần Tịnh Hiền, lợi ích từ việc tiêm chủng vaccine phòng sởi lớn hơn rất nhiều so với những rủi ro do bệnh sởi gây nên. Các số liệu thống kê của WHO cũng cho thấy, tiêm phòng sởi trên toàn thế giới đã góp phần làm giảm 78% số ca tử vong do sởi từ năm 2000 đến 2012. Vì vậy, lời khuyên chung mà bác sĩ Trần Tịnh Hiền dành cho các phụ huynh là cần theo dõi hồ sơ tiêm chủng của trẻ chặt chẽ và đưa trẻ đi tiêm chủng để tránh bị sởi và các biến chứng nặng. Một khi được tiêm chủng, tác dụng miễn dịch của tiêm chủng được xác định là cả đời.
Tạp chí sức khỏe đời sống tuần này xin tạm dừng tại đây. Việt Hà cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi. Xin quý vị chia sẻ các thông tin và những đóng góp về các vấn đề y tế, sức khỏe đến trang tạp chí sức khỏe đời sống tại email vietha@rfa.org hoặc www.facebook.com/vietharfa

 http://www.rfa.org/vietnamese/programs/LifeAndHealth/measles-outbreak-more-severe-complications-vh-04152014093132.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét