Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

Dânlàmbáo: Những bloggers bị săn đuổi

Những bloggers bị săn đuổi



Người viết: Maartje Duin - Người dịch: Tam Hợp - Bài dịch từ báo Volkskrant, ngày 30 tháng 3 năm 2013



Vừa ngồi xuống, thì đã có người gõ cửa nhà xí. Nghĩ bụng là chắc có bà nào đang vội lắm đây. Ấy vậy, mà khi tôi bước ra, thì chẳng còn thấy một ai.Tôi biết ngay là họ đấy thôi. Cứ tưởng rằng mình đã thoát được rồi, sau khi leo lên xe ông Trung. Đến giờ thì tôi đã biết ít nhiều về họ. Những nhân vật đội ngũ bảo hiểm và che mặt bằng khẩu trang, mỗi khi tôi nhìn thì họ quay mặt đi, cũng có khi họ rẽ đi một hướng khác, nhưng rồi lại thập thụi đâu đó sau lưng tôi. Những nhân viên an ninh của Việt Nam trông y như những chú bé con. Ở độ tuổi hai mươi hay hai nhăm là cùng, mặc quần bò và đi giày thể thao. Nhưng những chú bé này đã được đào luyện có bài bản.




Một chuyến phiêu lưu bằng xe máy để ra khỏi Huế. Ông Trung hứa với tôi là sẽ chở đi xem nhiều cảnh đẹp trên đường vào Hội An: nào là làng chài, nào là thác nước hùng vĩ, hay những ngôi chùa thơ mộng trên triền Núi Đá. Thế nhưng sáng sớm hôm sau thì chính ông ta lại xuất hiện trong vài trò của một tên chỉ điểm. Cứ mỗi nửa giờ là có một người đàn bà với giọng chanh chua gọi cho ông ta để được biết ông ta đang ở đâu; trong những điều họ nói với nhau, tôi chỉ nghe được tên những địa danh. Không thể tưởng tượng nổi là họ đã sử dụng bao nhiêu người trong việc theo dõi tôi. Chỉ trong 24 giờ đồng hồ mà tôi đã đếm được bảy nhân viên an ninh, đó là chưa kể ông Trung và người phụ nữ kia. Họ thu phim và chụp ảnh tôi, họ kiểm tra hộ chiếu của tôi ở lễ tân khách sạn.



Tất cả chỉ nhằm mục đích không cho tôi viết về những bloggers. Những người đang bị theo dõi nghiêm ngặt ở Việt Nam.



Ít ai ở phương tây biết đến nạn kiểm duyệt ở Việt Nam. Những hình ảnh trong phim Tour of Duty hay Apocalypse Now của thập niên trước, nay đã được thay thế bằng hình ảnh của một nền kinh tế đang trổi dậy. Năm 2012, dù bị ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế, nhưng vẫn tăng trưởng ở mức năm phần trăm. Hà Lan cũng đến đầu tư tại đây: Việt Nam cần học Hà Lan về quản lý nước, nông nghiệp và hậu cần. Còn người Hà Lan thì ngày càng thích đến đó du lịch.



Còn các bloggers thì lại phải chịu nhiều gian truân trong mấy năm qua. Tháng chín năm rồi đã có ba người bị phạt tù, tổng cộng lên đến 26 năm. Dù tổng thống Obama có phản đối, nhưng cũng chẳng làm thay đổi được tình hình: đến tháng giêng năm nay lại có thêm mười bốn người nữa bị cầm tù. Họ bị buộc tội trong những phiên xử chóng vánh, dựa trên những điều luật mơ hồ. ‘Tuyên truyền chống nhà nước’, hay ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ’. Các phiên xử được phổ biến rộng rãi trên những phương tiện truyền thông để nhằm răn đe kẻ khác.



Bloggers, anh là ai?



Nguyễn Văn Đài bước vào quán ăn với vẻ bình thản. Mặc chiếc áo khoác thể thao, nên trông anh trẻ hơn một người ở độ tuổi 42. Đài nói tiếng Anh giỏi, có sự trợ lực của một app dịch thuật.



Anh bị quản chế tại địa phương cho đến tháng ba năm 2015 và bị cấm không được đi xa khỏi nhà hơn một cây số. Nhưng trưa nay, thì anh đã chạy vòng vo qua những ngõ ngách ở Hà Nội để thoát được vòng vây của an ninh. ‘Tôi biết họ cả mà, mười lăm hay mười sáu người gì đấy. ’Mỗi tháng anh phải đi uống cà phê với họ một lần. ‘Mỗi lần như thế tôi giảng giải cho họ tại sao đất nước cần có dân chủ. Thường là họ đồng ý với tôi. Nhưng nếu Việt Nam có dân chủ, thì họ sợ là họ sẽ bị bắt hết.’ Anh cười mỉm: ‘Họ rất sợ, cô ạ.’



Đài làm việc trong một xưởng sản xuất xe tải ở Đông Đức vào lúc bức tường Bá Linh sụp đổ. ‘Khi đi học, tôi được học là chủ nghĩa cộng sản là tương lai của nhân loại. Sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ thì tôi bắt đầu đọc báo của Tây Đức và Pháp. Tôi nhận ra những điều tôi được học là láo cả.’ Khi về lại Việt Nam, anh đi học luật. Anh cùng một bạn đồng nghiệp tổ chức khóa học cho sinh viên luật và báo chí. ‘Chúng tôi giảng giải về nhân quyền và tầm quan trọng của tự do báo chí. Chúng tôi gửi họ về thôn quê để làm phóng sự, biên tập bài của họ rồi đưa lên mạng.’



Vì những bài giảng này mà họ bị buộc tội ‘tuyên truyền chống nhà nước’. Đài bị tù bốn năm, từ năm 2007 cho đến năm 2011.



‘Mười tháng đầu thật khủng khiếp, cô ạ.’ 25 đến 30 người ở một buồng, chỉ có một nhà xí. Không có gường, không có chăn. Sáng và tối chỉ được cơm với ít rau, ngoài ra không có gì cả. Sau hai tháng thì vợ anh được vào thăm, từ đó cứ mỗi tháng họ được gặp nhau nửa giờ. ‘Khi tôi bị chuyển sang trại Ba Sao. Nơi có nhiều tù chính trị. Chúng tôi nấu ăn ngày ba bữa và có cả rađiô. Chúng tôi nghe đài BBC và đài Á châu Tự do để biết là những ai bị bắt.’ Đài nghĩ là mình còn may mắn. ‘Nhiều người còn bị tù biệt giam nữa kìa.’



Nhưng án tù không ngăn cản anh được, sau khi được thả anh lại viết blog. Bằng tên thật. ‘Tại sao không? Họ biết tôi là ai rồi cơ mà.’ Những bài viết về nhân quyền, hiến pháp và về những phiên xử các nhà bất đồng chính kiến. Anh gửi bài đi đến các bạn trên Facebook. Có khi mất hết cả ngày. Anh cũng đăng bài trên các diễn đàn đại học, để xem các sinh viên phản ứng ra sao. Anh nhận ra ngay ai là hồng vệ binh. ‘Họ thường là con cái các quan chức lớn trong đảng. Họ được huấn luyện để bảo vệ đảng, nhưng khi mà mình lập luận thì họ im thin thít.’ Anh mời những người quan tâm đến lớp anh giảng dạy. Anh vừa mở trở lại – thông qua Skype ở nhà. Anh viết báo cáo cho tổ chức Ân xá và thường được các sứ quán phương tây mời đến. Có đến sứ quán Hà Lan chưa? Chưa, cho đến nay Hà Lan chưa mời. ‘Ở xứ cô không có tổ chức phi chính phủ nào muốn hỗ trợ dân chủ cho Việt Nam à?’ Khi chia tay Đài, tôi hứa với anh là sẽ nêu lên điều này trong bài viết của mình.



Nội dung các blog ở Việt Nam thường là dành cho những đối tượng hiểu biết về thời sự. Khi nói bóng nói gió về con rắn chẳng hạn thì phải biết là nói về người nào, hoặc khi nói về con ếch thì là ám chỉ ngài thủ tướng (1). Nhờ những bài châm biếm của mình nên Bùi Thanh Hiếu (41 tuổi) đã được mời tham gia hội thảo văn hóa ở Đức. Trên đường sang Bá Linh anh bị hải quan Việt Nam ngăn lại; từ đó anh không được phép xuất cảnh nữa. Hàng ngày anh đi làm phóng sự, Nguyễn Lân Thắng (38 tuổi) cung cấp cho anh hình ảnh. Họ trở nên một cặp bài trùng luôn hăng say đi làm phóng sự, với điếu thuốc và smartphone trên tay.



Tôi đi cùng hai anh đến hiện trường nơi hai anh đã thực hiện một phóng sự được nhiều người biết đến: Về những con đường lầy lội ở làng Văn Giang. Vào ngày 24 tháng 4 năm 2012 dân chúng đã phản đối lệnh cưỡng chế ở Văn Giang. Thu hồi đất là vấn đề nóng bỏng ở Việt Nam hiện nay: nông dân bị buộc phải giao đất đai cho những dự án của nhà nước, có khi được đền bù xứng đáng – nhưng thường là không xứng đáng. Thắng kể: ‘các nông dân gọi điện thoại cho chúng tôi’, cùng lúc đó anh chỉ về phía căn nhà ở góc đường ngay giữa làng. ‘Ở chỗ ấy, chúng tôi đã cải trang thành nông dân, nấp ba ngày dài ở tầng bên trên.’ Từ nơi kín đáo này, anh đã thấy công an đã đi vào làng thế nào, sau đó công an đã dùng dùi cui hành hung hai nhà báo. Phim của Thắng được chuyển lên YouTube và đã có hơn triệu người xem. Reuters đem phổ biến ngay, sau đó truyền thông các nơi cũng vào cuộc. Vụ cưỡng chế đất này được tạm thời đình chỉ; đang chờ quyết định bên trên.



‘Đó là điều chúng tôi muốn’, Hiếu nói như vậy, lúc chúng tôi đến đó. ‘Đưa những tin mà báo chí nhà nước không đưa.’ Một nông dân mặc quần áo chùm kín hướng về phía chúng tôi; gật gù đồng ý ông nói: ‘các blogger nói lên tiếng nói của chúng tôi’, vì chúng tôi không viết ra được. Thế nhưng mới đây ông nông dân này đã học cách chụp ảnh và thu phim bằng chiếc điện thoại cầm tay của mình. Xót xa ông chỉ về hướng chân trời: nơi những nhà cao tầng đang lấn chiếm không gian. ‘Chúng tôi muốn là cả thế giới biết đến sự thật về Văn Giang.’



Thưa quý bạn đọc, tôi sẽ kể ra đây sự thật về Văn Giang. Nhưng xin cùng tôi dựng lại hiện trường vào ngày 24 tháng 4 năm 2012. Hiếu và Thắng nói là ngày hôm ấy có đến 5000 công an hiện diện. Reuters nói theo lời nhân chứng là có khoảng 2000 đến 4000 công an. Reuters không có mặt tại chỗ. Các phóng viên báo nhà nước không tác nghiệp được, vì cũng bị đánh tơi bời. Phim của Thắng bị chính quyền địa phương vu cáo là một ‘ngụy tạo của những kẻ chống đối’. Báo chí nhà nước giấu nhẹm vụ các phóng viên của họ bị hành hung bằng ít tiền bồi thường. Thắng kể như thế. Theo như AP thì không phải như vậy. Nhưng khi tôi hỏi phóng viên AP về điều này, thì anh ta bảo là không còn nhớ nữa. Một phóng viên AP khác cho tôi biết trong một lần uống bia chung là AP thuê văn phòng của một tổ chức đảng và bị buộc phải thuê thêm một ‘phu tá’. Chắc hẳn, bạn đọc sẽ nói ngay là việc gì phải thuê một ‘phụ tá’ như thế, nhưng chắc là bạn chưa biết hết những gì đã xảy ra cho tôi ở Việt Nam?



Thế này nhé!. Tôi sẽ đưa bạn cùng tôi trở về Hà Nội theo như cảm nhận của tôi. Đến gặp Phạm Hồng Sơn. Anh đã có lần mất tích một thời gian dài. Mất tích thật đấy. Anh đã tải bài ‘What is Democracy?’ từ trang web của sứ quán Mỹ, dịch sang tiếng Việt rồi phát tán qua email. Không những chỉ gửi cho bè bạn, anh gửi cả đến các ông chóp bu trong đảng. Người Việt Nam ai mà không biết là các ông này đâu phải là những người có đầu óc cởi mở. Sơn năm nay đã 43 tuổi nói như sau:‘tôi lúc nào cũng tìm đến một thử thách mới, tính của tôi là như thế.’



Anh mời tôi dùng trà trong căn hộ của gia đình anh ở ngoại ô thành phố. Những cây cảnh treo trên ban công, bàn ghế bằng mây, bánh của Nhật đặt trên bàn. Ánh sáng chiếu lùa vào qua khung cửa.



Đến năm 2002 anh còn có việc làm với lương cao ở một nhà sản xuất thuốc tây của Pháp. Không phải là việc làm mà anh mơ ước, nhưng là một bác sĩ ở Việt Nam, anh biết là mình chỉ có thu nhập tốt khi mình nhận tiền của bệnh nhân. ‘Đó là điều tôi không muốn.’ Anh thấy tham nhũng tràn lan. Vì thế anh bắt đầu nghiên cứu về dân chủ, ban đầu còn trong bí mật, dần dần trở nên công khai hơn. Cho đến khi bài dịch của anh trở thành một trái bom.



Suốt ba tháng không ai biết anh ở đâu. Mười lăm tháng sau mới biết là hình như anh sẽ bị truy tố. Nhưng vợ của anh vẫn chưa được gặp chồng. Trong phiên tòa thì chị là nhân chứng duy nhất và chỉ được phép trả lời hai câu hỏi bằng chữ có hay không mà thôi. Bản án dành cho anh là mười ba năm. Tự do phát biểu ý kiến đã được ghi trong hiến pháp và tòa xác nhận nhu cầu cần thiết của internet. Nhưng phát tán những thông tin như thế này sẽ hủy hoại niềm tin của nhân dân vào chính phủ. Phạm Hồng Sơn bị xem là gián điệp.



Bản án mười ba năm sau được giảm xuống còn năm năm, cộng thêm với ba năm quản chế, trong thời gian đó người đàn ông mảnh dẻ và cẩn tính ngồi đối diện với tôi này đã mấy lần bị hành hung và xe anh bị chèn đến suýt bị tai nạn.



Anh nói bây giờ thì ‘oké’. Dĩ nhiên, điện thoại của anh vẫn bị nghe lén, trang web của anh thường xuyên bị phá. Mỗi ngày anh thường đọc và viết – anh cho tôi xem bài anh viết. Trên laptop anh cho xem ảnh hai người đàn anh: đảng viên cao cấp trước kia, có thời là du kích Việt cộng. Anh biết họ là những người cộng sản đã thất vọng, hối tiếc ngay cả về vai trò của họ trong chiến tranh. ‘Nhưng tỏ ra hối tiếc công khai à? Trước kia thì họ không dám.’ Anh phải mất ba năm mới thúc đẩy được họ cho mình phỏng vấn. Những người kháng chiến cũ tạo được nhiều làn sóng trong dư luận. ‘Nếu những người có ảnh hưởng như thế nói ra, thì những người dân Việt Nam bình thường cũng sẽ có cơ hội hơn.’

Anh cho tôi xem nơi anh làm việc. Nào là Plato, De Tocqueville, John Adams, ồ, chắc chắn tôi sẽ thích lắm đây: cả Spinoza (2) nữa. Rồi một bản dịch chui tác phẩm Nông trại súc vật…



‘Đương nhiên,’ Phạm Hồng Sơn trả lời. ‘Tôi sẽ là kẻ nói dối, nếu tôi nói là tôi không biết sợ. Nhưng nếu có điều gì không hay xảy ra cho tôi, thì tôi tự nhủ, là mình sẽ chấp nhận thôi. Tôi xem như mình đã đánh đổi chút gì của riêng mình cho tương lai Việt Nam được tươi sáng.’



Gần tuyến đường sắt ở Huế, miền trung Việt Nam, có một quán cà phê. An ninh chìm đã đặc biệt xây dựng lên quán này để theo dõi cha Phan Văn Lợi. Ông đã sống mười hai năm như thế này. ‘Nhưng’, ông cười sảng khoái và nói là, ‘tôi có một máy ảnh với ống kính viễn vọng ở đây.’ Ông cho tôi xem ảnh ông chụp những kẻ tấn công mình. Để trả thù à? ‘Đúng vậy, đúng như vậy.’ Ông chỉ phổ biến ảnh của họ, ông nói nhấn mạnh, khi họ làm khó dễ ông. Hoặc họ làm khó dễ khách của ông.



Chẳng phải là tôi có nhiều khách. Ông có vài trăm bạn facebook. Ông quen biết tất cả những nhà bất đồng chính kiến tôi đã gặp ở Hà Nội. Thỉnh thoảng lắm mới có một nhà báo hoặc một nhà ngoại giao Hoa Kỳ đến. Ông nói với những nhà báo nước ngoài về ‘tội ác của cộng sản’. Ông nói, cộng sản gây khó khăn cho người công giáo. ‘Hà Nội sợ sự cạnh tranh từ Rome.’



Lúc bắt đầu câu chuyện, ông cũng bảo tôi như thế. Hai giờ liên tục, ông tạo ấn tượng với tôi bằng sức thuyết phục đầy quyến rũ của ông, đương nhiên ông cũng không quên nhắc đến hoa tulíp và đôi guốc gỗ truyền thống Hà Lan. Ông nhắc cả đến thủ tướng Mark Rutte.



Đến lúc này, tôi hiểu ra là mình đến đây để viết một bài, về những bloggers, tôi như một sứ giả của thế giới đang phải xúc động trước lý tưởng của họ. Phạm Hồng Sơn, nhà trí thức, ôm lấy tôi khi chia tay. Nhà nhiếp ảnh Thắng làm một tập ảnh trên Facebook về chuyến đi của chúng tôi, đã có hàng mấy mươi người ấn nút thích. Còn cha Phan Văn Lợi thì muốn chụp chung một tấm ảnh để làm ‘kỷ niệm cho lần đến thăm này’. Tôi thấy hơi bối rối, nói lắp bắp là: ‘tôi đến đây vì nhiệm vụ thôi.’ ‘Không, không, cô đã chấp nhận rủi ro to lắm khi đặt chân đến nơi đây.’ ‘Cầu xin thượng đế che chở cho cô’. ‘Cám ơn cô rất nhiều khi đến thăm tôi.’



Rời khỏi nhà cha Lợi, khi nhảy lên chiếc xe đạp thì tôi đã thấy mình đối diện trước ống kính của máy quay phim. An ninh chìm canh giữ ông, đang đứng ở phía bên kia đường rầy.



Một ngày sau, tôi nhớ đến những lời của các bloggers và cha Lợi, trong khi ông Trung rồ ga xe, còn tôi thì ôm chắc lấy bụng ông cho khỏi ngã. ‘Đừng sợ’, cha Lợi nói. Phải chăng người gõ cửa nhà xí lúc nãy chỉ là sự tưởng tượng của tôi? ‘Tôi thán phục lòng can trường của cô’, Sơn nói như thế. Nhưng nay thì tôi chỉ muốn thoát ngay khỏi đất nước này. Tôi thấy sợ.



Tên ông Trung là hư cấu.



—————————————————————————————————————–

Chú thích của người dịch:



(1) xem bài ‘Ếch Rắn giao tranh’ của Hà Sĩ Phu

(2) Spinoza là một triết gia nổi tiếng của Hà Lan



Chuyên gia




An Nguyễn, giảng viên cao cấp Trường Truyền thông thuộc Đại học Bournemouth ở Anh Quốc, từng thực hiện nghiên cứu về báo chí công dân tại Việt Nam.

‘Nếu nhìn theo quan điểm của các tổ chức nhân quyền thì những gì hiện đang xảy ra tại Việt Nam thật tồi tệ. Nhưng từ góc nhìn Việt Nam hơn, thì đây có thể chỉ là sự suy thoái tạm thời. Nhìn trong tiến trình lâu dài hơn, vẫn có xu hướng cải thiện đi lên trong mối quan hệ không dễ dàng giữa chính quyền và truyền thông.

‘Trước năm 1986, không có báo chí ở Việt Nam, chỉ có tuyên truyền. Khi quốc gia này mở cửa kinh tế, báo chí được tự do hơn. Từ thập niên 90, báo chí thành một cỗ máy chống tham nhũng hữu hiệu.’ Ðiều đó đôi khi đi quá giới hạn mà chính quyền sẵn sàng chịu đựng: năm 2008, họ thay thế người đứng đầu hai tờ báo lớn. Khi truyền thông nhà nước rút ra khỏi các vấn đề nhạy cảm, blog nhảy vào chỗ trống đó.’

Nhưng đó không là sự thế chỗ hoàn thiện. ‘Các blogger phát hiện tin tức, cung cấp quan điểm mới và khuyến khích tranh luận. Tuy thế, bloggers chỉ là một phần rất nhỏ trong toàn thể xã hội Việt Nam. Internet đòi hỏi người đọc có thái độ quan tâm tích cực, và điều này còn thiếu ở Việt Nam.’

Nguyễn cho hay, ngày nay, các vấn đề chính trị nhạy cảm được thả cho bàn luận cởi mở hơn so với mười năm trước, không chỉ ở trên Facebook, mà ở cả những cuộc gặp gỡ thân hữu sau giờ làm việc.

Công nghệ có thể giúp ích, nhưng tự nó không phải là giải pháp. ‘Mùa xuân Ả Rập xảy ra vì người ta không còn sợ hãi nữa. Ở những quốc gia như Việt Nam và Trung Quốc, điều đó vẫn còn lâu.’

Nguyễn nghĩ rằng nhiều sự thay đổi nhỏ cuối cùng có thể dẫn đến chuyển biến xã hội lớn. Các blogger đối kháng chính trị chỉ là một phần nhỏ. ‘Một blogger kinh tế dù chỉ có 40, 50 người đọc cũng góp vào việc tích tụ sự đổi thay. Ngay cả những người bình thường chỉ sử dụng Facebook để nói về những điều trong cuộc sống hằng ngày cũng sẽ góp phần.” Khi nào biến chuyển xảy ra? 5 năm, 10 năm, không ai biết được. Nhưng các chế độ chuyên quyền tốt hơn là nên chuẩn bị: họ phải chấp nhận rằng họ sẽ không thể ngăn được trào lưu blog nữa, và không nên biến blog thành kẻ thù.’



Luật Sư Nhân Quyền






Nguyễn Văn Ðài (42 tuổi) 4828 bạn trên Facebook. Blog:

http://vietnamhumanrightscommitte.wordpress.com (sic, lỗi nhỏ của một người bạn thiết lập trang mạng của tôi)



* Mong ước: thực hiện việc công khai nói chuyện về hệ thống đa đảng, công khai hoá những vi phạm nhân quyền.



* Hình phạt: 4 năm tù giam và 3 năm quản chế, cho tới tháng ba năm 2015



Người Trí Thức






Phạm Hồng Sơn (43 tuổi), 3415 bạn trên Facebook, 1260 người theo



* Bài viết phát hành trong Pro Contra

* Mong ước: Người Việt Nam nghĩ đến dân chủ và những sai lầm trong quá khứ.

* Hình phạt: 13 năm tù giam, sau này giảm xuống còn 5 năm; 3 năm quản chế, bị hăm doạ, bị hành hung.



Nhà báo Tự Do






Nguyễn Lân Thắng (38 tuổi) 4989 bạn trên Facebook, 1618 người theo



Bùi Thanh Hiếu, (Người Buôn Gió) (41 tuổi) 4830 bạn trên Facebook, 2552 người theo



* Mong ước: thông tin độc lập

* Hình phạt: Bị hăm doạ, lục soát nhà, bị bắt (không đếm được bao nhiêu lần), bị hành hung, bị cấm đi lại.



Vị Linh Mục






Linh Mục Phan Văn Lợi (62 tuổi), 545 bạn trên Facebook, 700 nguời theo



* Chủ bút của tờ báo chui “Tự Do Ngôn Luận”

* Mong ước: Tự Do Tín Ngưỡng, Dân Chủ

* Hình Phạt: 7 năm tù giam, trong đó có tội dựng một vở kịch; bị quản chế từ năm 2001







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét