Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2013

Bình Dương nghĩa trang Tàu, tổng lãnh sự quán cõi âm Tàu+ ở Việt Nam

  Bình Dương có nghĩa trang dành cho người Trung Quốc

Hoàng Hạc/Người Việt
Nghĩa trang nằm trên quốc lộ 13, gần khu dân cư 434 của tỉnh Bình Dương, cách khu công nghiệp Việt Nam-Singapore chừng 6km, diện tích gần 400 hecta (rộng tương đương 50% diện tích khu dân cư 434 với hơn 50 ngàn người).
Những ngôi mộ mới xây trên đất còn rất rộng ở đây. (Hình: Hoàng Hạc/Người Việt)

Có thể nói, đây là khu nghĩa trang rộng thoáng, đẹp và yên tĩnh thuộc vào bậc nhất nhì của quốc gia.

Nó nằm cách khu nghĩa trang Quân Ðội Biên Hòa chừng 30km theo đường chim bay.

Nhưng, nghĩa trang Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tàn tạ bao nhiêu thì nó khang trang bấy nhiêu.

Với hàng chục ngàn ngôi mộ nằm thẳng thớm, cỏ cây được tỉa tót sạch sẽ, tưới mát mỗi ngày, nghĩa trang được chăm sóc hết mức. Có riêng đội bảo vệ và ban quản trang cho khu nghĩa trang này. Người lạ tuyệt đối không được bước vào nghĩa trang.

Nếu không có người thân (hay nói cách khác, không phải là con cháu của người Hoa) thì không được bước vào bên trong cổng nghĩa trang dù chỉ ba bước.

Bên trong có quán cà phê phục vụ ban quản trang, bảo vệ, có sân tenis và có cả một đài tưởng niệm nằm bên cạnh ngôi chùa lợp mái ngói xanh kiểu Tàu để hằng ngày tụng niệm cầu siêu cho các vong hồn...

Ông H., nhân viên bảo vệ nghĩa trang cho biết: “Nghĩa trang này rất rộng, theo chỗ tôi thấy, nó trên 470 hecta chứ không phải là 400 như con số được biết. Mộ trong này rất khang trang, nó dành riêng cho cộng đồng người Hoa, không có bất kỳ ngôi mộ nào của người Việt ở trong này, bạn có thể ví von đây là lãnh sự quán cõi âm Trung Quốc tại Việt Nam.”
Ðài tưởng niệm trong nghĩa trang. (Hình: Hoàng Hạc/Người Việt)
“Tôi dám đoan chắc rằng không có cái nghĩa trang nào rộng và thoáng mát hơn nghĩa trang này, nó tồn tại được hơn trăm năm nay, càng lúc càng mở rộng, có nhiều cổ thụ xà cừ đã hơn một trăm năm nay. Ban quản trang ở đây đã làm qua mấy đời, tiếp tục cha truyền con nối vào đây làm việc, mức lương cũng hậu hĩ, mỗi tháng kiếm được cả chục triệu đồng mỗi người...”

Một ông khác tên T., làm trong ban quản trang cho biết thêm: “An ninh ở đây được bảo vệ tuyệt đối, kín cổng cao tường, từ lúc tôi làm việc đến giờ, chưa có vụ mất trộm nào...”

Chúng tôi hỏi ông T. thử trong nghĩa trang toàn mồ mả, lấy gì để trộm mà phải nói là không có vụ mất trộm nào, ông T. cười sảng khoái: “Mấy ông không biết đó thôi, ở đây rất nhiều tài sản quí, người chết toàn là nhà giàu, người Hoa nữa, nên người ta chôn cất theo nhiều thứ, không ngoại trừ vàng bạc, đá quí, chỉ cần bỏ lơ một đêm, tụi trộm nó vào đây đào sạch.”

“Chính vì thế, chúng tôi ở đây, từ ban quản trang cho đến bảo vệ đều là người Hoa, chỉ có người Hoa mới tự bảo vệ nhau mà thôi!”

Câu nói của ông T. làm chúng tôi hơi lạnh người, vì giữa xứ sở toàn là người Việt, dù sao ông và những người cùng làm việc trong nghĩa trang cũng chưa phải là người bản xứ, nhưng cách nói chuyện của ông cho thấy ông rất đề cao người Hoa và tỏ ra khinh thị người bản xứ, đây là vấn đề cực kỳ nhạy cảm và cũng có thể nguy hiểm cho bản thân ông cũng như nhóm làm việc ở nghĩa trang nếu như người chung quanh đây nổi giận vì cách nói chuyện có tính báng bổ của ông...
Cổng vào nghĩa trang, sau lưng nó là bốt gác. (Hình: Hoàng Hạc/Người Việt)
Bà L., bán cà phê trong nghĩa trang cho biết: “Trong khu nghĩa trang này có chừng hai chục ngàn ngôi mộ, trong đó có chừng một nửa là mộ rất khang trang, có giá xây dựng không dưới một trăm triệu đồng, trong đó chưa kể đến đồ vật quí giá chôn kèm theo. Ðây là khu mộ vĩnh cửu của người Hoa trên đất Việt, còn dư nhiều đất lắm!”

Cách nói chuyện tự tin của ba L. về “khu mộ vĩnh cửu” của người Hoa ngay tại Việt Nam khiến chúng tôi nghĩ đến vấn đề biên giới, lãnh thổ và dân tộc. Trên một nghĩa nào đó, dường như người Hoa đã có chỗ đứng quá vững trên đất Việt Nam, họ tuy không nói ra nhưng đã tự khẳng định với nhau về chủ quyền đất đai ở nơi này.

Khác với những nghĩa trang của chính người anh em trong gia đình Việt Nam như hàng nhiều nghĩa trang Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã bị đập phá, bứng bia, đạp tượng đài và bỏ cỏ cây mọc um tùm, rễ cây lấn vào âm phần chiến sĩ...!

Ngồi một lúc nữa, chúng tôi rời quán cà phê nghĩa trang, cũng xin nói thêm, để vào bên trong nghĩa trang này ngồi nói chuyện, chúng tôi tốn cả buổi tìm hiểu và làm quen với mấy bảo vệ nghĩa trang, sau đó, nhờ một người lượm ve chai, tên Hùng, người Việt, trước đây là thầy dạy võ của đội bảo vệ này dắt vào quán cà phê bên trong ngồi uống.
Nhìn những người Trung Quốc ngồi rất ung dung, tự tại trong khu nghĩa trang rộng lớn của họ ngay trên đất Việt Nam, tự dưng gợi lên trong chúng tôi một mối cảm hoài về những nông dân Văn Giang, gia đình anh Ðoàn Văn Vươn và nhiều người dân nghèo Việt Nam không có đủ tiền mua đất xây mộ cũng như hàng nhiều nghĩa trang Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bị đối xử rất tệ, bị mất dấu trên quê hương. Ðó có phải vì họ không phải là người Trung Quốc?

Vì sao người Trung Quốc lại được biệt đãi, người chết cũng có được không gian rộng rãi, có chủ quyền hẳn hoi, trong khi người Việt với nhau lại bỗng chốc trở thành dân oan mất đất, ăn bờ ngủ bụi để vác đơn đi kiện, đến chỗ ngủ ngoài công viên cũng không được yên ổn. Thật là tội nghiệp cho người Việt Nam!
Thế mới hiểu cái câu nói của ông T., bảo vệ nghĩa trang có ý nghĩa chừng nào: “Vì đây là tổng lãnh sự quán cõi âm Trung Quốc ở Việt Nam, nên nó được bảo vệ rất nghiêm ngặt!”


http://www.nguoi-viet.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét