Thứ Tư, 15 tháng 5, 2013

Lệnh ông, cồng bà thứ nào đáng sợ hơn?

Viết từ Sài Gòn - Lệnh ông, cồng bà thứ nào đáng sợ hơn?

Friday, 10 May 2013



Ngày xưa các cụ nhà ta có quá nhiều kinh nghiệm về quan trường, nhất là về những mối liên hệ giữa quan và dân, giữa quan bà và các doanh nghiệp. – xin nói cho rõ “quan bà” là vợ các quan, được người đời gọi là “phu nhân”– chứ không phải “đàn bà làm quan”, bởi thời đó đàn bà chưa được làm quan như thời nay. Tuy nhiên quan bà vẫn có cái cồng hay cái chiêng (một kiểu ví von là quyền hành) của quan bà vẫn to hơn quyền hành của các quan. Còn thời nay thì sao? Xin bỏ ra ngoài các bà làm quan, ở đây chỉ xin bàn về phu nhân hay bồ bịch của các quan mà thôi.




Chuyện không mới nhưng là một đề tài thảo luận mới
Không phải bỗng dưng tôi mang chuyện này ra bàn với bạn đọc, trong khi còn vô số chuyện ở VN đáng bàn đến hơn. Đây là một đề tài đang “nóng” đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương đảng CSVN tổ chức hẳn một “hội thảo” tại Đà Nẵng, đó là: “Mối quan hệ không bình thường giữa “một bộ phận cán bộ”, đảng viên có chức, quyền với doanh nghiệp để trục lợi". Đối với người dân, chuyện này là thứ chuyện ai cũng biết, ai cũng nói tới nhưng là một đề tài để một ủy ban trung ương nghiên cứu, đánh giá, phân tích chính xác thì hoàn toàn mới lạ. Nó là một hiện tượng như cái tổ sâu đục một lỗ to tướng trên thân cây cổ thụ, ai cũng thấy nhưng chưa có ai chịu mổ xẻ tìm hiểu cặn kẽ thứ bệnh nguy hiểm có thể đục ruỗng, làm héo chết toàn bộ loại “cây đa cây đề” này.


Tại “hội thảo” này, lần đầu tiên, một vấn đề rất tế nhị và khá nhạy cảm đã được hội thảo đưa ra và cảnh báo. Đó là hiện tượng “quan bà”- phu nhân các quan chức cùng làm ăn với các doanh nghiệp (DN), để DN lấy làm bình phong trục lợi. Sự trục lợi này đâu chỉ một phía. Khi mà “anh có tiền, chồng tôi có... quyền”. Nó không hề mới mẻ. Nhưng khi được đưa ra công khai giữa thanh thiên bạch nhật, thì mối quan hệ “đặc biệt” này đã trở nên phổ biến mang tính xã hội khiến người dân chú ý, bàn tán râm ran.


Cũng chả cứ phải là quan bà dính dáng đến DN. Có khi chỉ là... “cận” quan bà, hay “bồ ruột” của quan cũng có thể làm nên “sự nghiệp” khiến xã hội phải thất kinh và bất bình.


Chính vì thế tôi đưa vấn đề này ra bàn cùng bạn đọc, phân tích khách quan để hiểu rõ hơn. Xin điểm sơ qua về những cái lệnh của ông trước rồi đến cồng bà sau.



Tôi sợ các ông lắm rồi
Thưa bạn, câu than phiền trên đây không phải của người viết bài này mà là của chính ông Chủ tịch Quốc Hội (QH) VN. Kết luận lại phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH mới đây ông Nguyễn Sinh Hùng Chủ tịch QH đã dẫn chứng trường hợp Nghị định quy định về việc cấp Chứng minh nhân dân (CMND) ghi tên cha mẹ khiến người dân “bức xúc” nên vừa đưa ra đã phải đình lại.


Dưới góc độ người dân, ông Nguyễn Sinh Hùng bất bình khi đã có CMND, nay những người làm luật lại muốn đưa ra Luật Căn cước, rồi Luật Hộ tịch... Ông đã phải thốt lên. “Bao nhiêu loại giấy tờ, tôi là dân tôi cũng sợ mấy ông lắm rồi”.


Việc ông chủ tịch nước cũng phải “sợ” các văn bản luật pháp làm khó, làm khổ dân... thêm một lần nữa cho thấy mức độ báo động về công việc làm luật ở VN.


Có thể nói, khó mà liệt kê kết những văn bản pháp quy hoặc còn dưới dạng dự thảo hay đã thuộc loại “bút sa gà chết”, khiến người dân đau đầu, xã hội ngẩn ngơ. Có thứ nghị định ban hành cho có, cho “đủ mâm đủ bát” nhưng hiệu quả, hiệu lực đến đâu, như thế nào thì “hạ hồi phân giải”. Loại này có thể thấy qua quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng, bán thịt trong 8 giờ, phạt thức ăn đường phố không vệ sinh, cấm vòng hoa và vàng mã trong tang lễ công chức... và mới đây là dự thảo phạt nặng việc xả rác thải nơi công cộng… không thể kể hết.


Trong các bài trước, tôi đã đề cập đến “thứ bệnh đáng sợ” này. Có nhiều nguyên nhân khiến bệnh trở nên nặng như hiện nay song căn nguyên chính là do những cơ quan, tổ chức và cá nhân làm ra các văn bản này vẫn “bình chân như vại” cho dù việc làm, quyết định của họ có làm khổ dân và thiệt hại cho nhà nước đến đâu chăng nữa.


Đấy là chưa nói đến những kiểu hành dân, những kiểu “vòi vĩnh”, những kiểu ăn hối lộ từ cấp thấp đến cấp cao… hầu như ngày nào cũng thấy xuất hiện trên các trang báo VN với những bằng chức xác thực, không thể đổ tội cho “bọn xấu” bịa đặt xuyên tạc được. Người dân đáp lễ ngay: “Bây giờ ông chủ tịch mới sợ, chúng tôi sợ từ lâu lắm rồi!”.


Bạn hãy nhìn hiện tượng … không lạ sau đây tại một xã sẽ thấy “sợ” hơn nữa. Nó là một biểu hiện rõ nhất đang xảy ra ở rất nhiều địa phương khác trong toàn quốc.



Cả họ làm quan!

Ở xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên hiện nay có đến hơn 2/3 cán bộ (quan chức) ở xã là bà con, dòng họ của bí thư đảng ủy. Nhiều người trong số đó không có trình độ, không có chuyên môn trong khi những người có bằng đại học lại không thể xin được việc.


Người dân xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa hiện đang bất bình khi phần lớn cán bộ được tuyển dụng vào các chức danh ở xã đều là họ hàng của ông Đặng Tín, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Tâm. (Bạn đã biết ông bí thư đảng ủy là người trên hết, nắm toàn bộ quyền hành trong mọi lãnh vực từ hành chánh, cai trị đến tinh thần, tư tưởng mọi người dân). Trong số 23 cán bộ xã đã có 18 người là bà con họ Đặng hoặc bà con phía vợ của vị bí thư này. Ngay Ban Thường vụ đảng ủy 3 người, có 2 người là chú cháu, gồm Bí thư Đặng Tín và Phó Bí thư Đặng Thị Dung. Ông Huỳnh Thanh Nam, một người dân ở xã Hòa Tâm, cho biết:

- Dân xã tôi gọi đây là thời của họ Đặng trị. Không phải người của dòng họ này thì không có cửa vào làm cán bộ xã Hòa Tâm! Không là con cháu họ hàng của quan ông cũng phải là họ quan bà.


Trong khi 100% cán bộ xã đều không có bằng đại học, một số cán bộ là họ hàng với bí thư xã còn chưa có bằng cấp 3, còn con em người dân ở xã này tốt nghiệp đại học trở về thì không thể xin được việc.



Cụ thể, trường hợp anh Huỳnh Thanh Tú, tốt nghiệp Đại học Quy Nhơn chuyên ngành tài chính kế toán hơn 3 năm nay nhưng hiện phải đi phụ nuôi tôm. Anh Tú ngán ngẩm nói với phóng viên:

“Tôi nghĩ mình về quê với hy vọng làm được một việc gì đó. Vậy mà đã nộp đơn rất nhiều lần vào xã nhưng rồi vẫn không được tuyển dụng. Họ chỉ tuyển bà con có liên quan đến họ Đặng, không quan tâm đến bằng cấp”.




Phải răm rắp làm theo ý kiến của bí thư, không được có ý kiến khác

Ông bí thư Đặng Tín thừa nhận có nhiều cán bộ xã là bà con, dòng họ của ông nhưng “do khách quan”(?). Ông lý giải: “Ở nông thôn mà, đụng đâu cũng là bà con”. Ông còn cho rằng việc nhiều cán bộ xã là bà con, dòng họ không trở ngại gì trong điều hành công việc.


Trong khi đó, Chủ tịch UBND xã Lê Văn Hoàng lại thẳng thắn nhận định: “Một số cán bộ là bà con, dòng họ Đặng được cho vào làm không đúng chuyên môn, lĩnh vực, không đáp ứng được công việc của xã, làm giảm chất lượng công việc”.


Một cán bộ xã Hòa Tâm cho biết để tồn tại, cán bộ xã là người ngoài dòng họ với Bí thư đảng ủy phải răm rắp nghe theo ý kiến của bí thư, không được có ý kiến khác. Nếu không, sẽ bị loại khỏi bộ máy chính quyền của xã.



Cụ thể là trường hợp của ông Lê Văn Thiệu, nguyên cán bộ phụ trách công tác Lao động - Thương binh - Xã hội xã Hòa Tâm. Ông Thiệu là người thường tỏ thái độ phản đối các ý kiến của ông Tín. Trong cuộc bầu cử HĐND xã vừa qua, trước khi họp lần 2, ông Thiệu được ông Tín gọi vào phòng “làm việc tư tưởng”, sau đó bị rút khỏi danh sách ứng cử viên. Thắc mắc về cách hành xử trên, ông Thiệu viết thư xin tư vấn gửi đến Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên thì bị ông Tín cho là gửi đơn vượt cấp, buộc ông Thiệu viết kiểm điểm và bị kỷ luật buộc thôi việc. Vị trí ông Thiệu đảm nhận trước đây, hiện nay được giao cho cháu ông Đặng Tín là ông Đặng Văn Hằng.




Ông Lê Văn Thiệu, cán bộ xã Hòa Tâm, bị cho thôi việc vì không phải họ hàng và hay phản đối ý kiến bí thư Đảng ủy xã.
Bởi vậy người dân mới có câu: “nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ và thứ tư thì... mặc kệ”!


Thật ra, tình trạng này đang xảy ra ở hầu hết mọi nơi, nhiều cơ quan, nhất là những cơ quan “có ăn”, có lương bổng khá, có quyền “xin cho”. Nếu không phải là người nhà của các quan ông quan bà thì đừng hòng xin vào làm dù bạn có học hành đàng hoàng, có tài năng. May ra nếu được làm thì cũng chỉ ngang hàng với dân bưng bê, để cho mấy anh dốt sai đủ thứ việc. Đúng như câu “con vua thì lại làm vua, con anh sãi chùa lại quét lá đa”.



Thái Thượng Hoàng và doanh nghiệp sân sau của các quan
Ông Lê Hồng Liêm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTƯ) nhận định:

“Đang có những quan chức quyền hành như “thái thượng hoàng”, nói gì cấp dưới phải nghe răm rắp, tự ý bố trí nhân sự, đất nông nghiệp sờ sờ ra đó nhưng vẫn chuyển sang đất chuyên dùng để thu lợi cho DN hàng trăm tỉ đồng, còn DN thì lại quả vài căn nhà tiền tỉ cho quan chức.



Có thực tế là nếu doanh nghiệp (DN) không có mối quan hệ lợi ích với một số cán bộ, đảng viên có chức, có quyền thì khó có thể nhận được các dự án. Từ đó hình thành các nhóm lợi ích không chỉ về kinh tế mà cả về chính trị. Thậm chí có DN còn bỏ tiền mua phiếu cho quan chức leo cao hơn. Hiện có tình trạng một số cán bộ có chức quyền đã lợi dụng kẽ hở của luật pháp, đặc biệt là câu kết làm “sân sau” cho một số DN để trục lợi. mối quan hệ không bình thường giữa quan chức và DN đang diễn ra dưới nhiều hình thức, thủ đoạn”.


Đại diện Ngân hàng Thế giới sáng 29-3 ở TP Sài Gòn, cho biết: 44% trong tổng số 1.058 DN được khảo sát cho hay phải trả chi phí không chính thức, tức là tiền hối lộ “bôi trơn”. Kết quả khảo sát cũng cho thấy quản lý đất đai, hải quan, xây dựng và CSGT là những lĩnh vực tham nhũng nhiều nhất.


Người ta còn chưa quên cái chỉ số nhận thức tham nhũng năm 2012 (CPI) đáng hổ thẹn, xót xa được Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố. Ở đó, Việt Nam đứng thứ 123/ 176 quốc gia, vùng lãnh thổ, tụt hẳn 11 bậc so với năm ngoái.


Bây giờ hãy nhìn lại các quan bà có tầm vóc như thế nào trong thời buổi hiện nay.



Quan bà đi kè kè bên doanh nghiệp
Ông Trần Văn Tư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai, cũng cảnh báo: “Đang có hiện tượng “quan bà” – phu nhân của quan chức – cùng làm ăn với DN để DN lấy làm bình phong. Tôi thấy một số bà suốt ngày cứ kè kè bên DN. Các DN khác họ nhìn vào cũng nghi ngại, e dè vì thấy một số DN toàn đi với chị Hai, chị Ba...”.


Ngoài ra còn nhiều quan chức lật tẩy mánh khóe của vợ con quan chức khi “giả vờ làm kinh tế”.


Ông Nguyễn Văn Thạnh, Chủ nhiệm UBKT Thành ủy Cần Thơ, cho rằng cần phải hết sức lưu ý đến những quan chức có vợ con tham gia kinh doanh, lập DN “sân sau”.


Ông Thạnh cho biết: “Nói là vợ con làm nhưng thực ra ông này điều hành là chính. Dạng quan chức có vợ con kinh doanh kiểu này nhiều lắm. Khi DN đứng tên vợ con, người thân thì họ dễ đưa dự án, công trình về nhà”.



Các DN cũng thường săn đón các quan bà, các công tử tiểu thư con quan để gửi gắm, nhờ vả việc nọ việc kia. Mỗi khi có anh chị nào này ốm đau, sổ mũi lại đưa xe cộ đến đưa rước… Có cả trăm ngàn mánh lới giữa các DN và các “chị Hai, chị Ba”. Đôi khi còn là những chuyện tình ái vớ vẩn, “đôi bên cùng có lợi”. Chị Hai dzui dzẻ tình xuân, chú Ba vớ được cái dự án trăm tỉ. Tuy nhiên có những vụ “bể dĩa” lãng xẹt. Nhưng nhờ có vụ “bể dĩa” này, mọi người càng nhìn thấy rõ hơn những mối liên hệ lòng vòng giữa quan ông quan bà và bạn bè, tình nhân như thế nào. Quan bà lộng hành là chuyện thường thấy, còn bạn bè hay tình nhân của quan cũng lộng hành đến nơi đến chốn cũng khá nhiều, nhưng lại rất khó tìm ra chứng cứ để bắt quả tang.



“Bồ” hay “bạn” quan đầu tỉnh lộng hành
Gần đây nhất và cũng bị dư luận đàm tiếu nhiều nhất là việc bà Trần Hồng Ly, nữ phó Phòng Quản lý DN - lao động Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Trà Vinh “quậy tưng” cả Văn phòng UBND tỉnh, chửi bới, thóa mạ thô tục những cảnh sát bảo vệ, được báo chí mô tả là “lộng hành khắp tỉnh, dọc ngang nào biết trên đầu có ai”.



Bà Trần Hồng Ly, người quen thân thiết của ông Trần Khiêu chủ tịch tỉnh Trà Vinh.

Dư luận tỉnh Trà Vinh còn thắc mắc vì sao một phụ nữ đơn thân, không nhà cửa, nghèo mạt rệp, chỉ có bằng trung cấp như bà Trần Hồng Ly lại nhanh chóng trở thành tỉ phú? Nhiều người cho biết ngoài căn nhà trị giá 4-5 tỉ đồng trên, bà Ly còn khoe mình có 16 tỉ đồng. Theo điều tra của Ủy ban Kiểm tra khối doanh nghiệp đã xác định bà Trần Hồng Ly có 1 ngôi nhà 3 tầng ở số 16 Nguyễn Thị Minh Khai, TP Trà Vinh; 1 nhà ở cùng nhiều phòng trọ cho thuê tại đường Bạch Đằng; 1 lô đất ở khu Nguyệt Hóa; 1 lô đất và nhà mới xây trên đường Lê Văn Tám, ấp Sâm Bua (xã Lương Hòa, huyện Châu Thành).




Ngoài ra bà còn đủ thứ bằng khen, đủ thứ danh hiệu.
Theo đơn tố cáo, nữ tỉ phú lắm mánh lới, nhiều chiêu trò này đã tự đề nghị các hình thức khen thưởng cho bản thân và đơn vị mình rồi lập biên bản ghi “tất cả thống nhất 100% theo ý kiến của bà Trần Hồng Ly”. Nhờ cách này, bà Ly nhận được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, bằng khen của Bộ Kế hoạch - Đầu tư và tự xếp cho mình danh hiệu “Chiến sĩ thi đua”. Toàn là “lèo” cả!



Căn nhà số 16 Nguyễn Thị Minh Khai, TP Trà Vinh - nơi bà Ly tổ chức tân gia linh đình trong 3 ngày.

Đặc biệt, bà này khẳng định: “Mối quan hệ giữa tôi và anh Ba Khiêu (tức ông Trần Khiêu, chủ tịch tỉnh Trà Vinh) là tình nghĩa anh em quê hương xứ sở”.


Ai cũng hiểu, chính vì “mối quan hệ tình nghĩa” đó mà từ chị thư ký nghèo mạt rệp, bỏ chồng sống tự do, mới leo lên hàng tỉ phú và dám lộng hành như thế. Dân thường làm như thế thì đi tù là cái chắc.


Sau khi sự việc xảy ra, bà Ly đã biện minh, bảo vệ ông Trần Khiêu: “Có những phần tử xấu, ganh ghét, bịa chuyện nào là có thai 3 tháng, sống với nhau 15 năm, có 2 đứa con và hôm đó chở theo 1 đứa con…”. Tuy nhiên khi bị mời lên CA bà ly trưng ra bằng cớ bà đang mang thai lưu nên có muốn giam bà cũng không được. Lúc này mới bị kỷ luật và cho nghỉ việc. Bà có nghỉ việc thì cũng đã có một “núi của” ba đời ăn không hết.


Ông Trần Khiêu chủ tịch tỉnh Trà Vinh vừa “xin về hưu non” sau vụ bà Ly “quậy tưng bừng” tại trụ sở UBND tỉnh.

Chủ tịch tỉnh xin về hưu trước tuổi
Trước sự việc nữ phó phòng “quậy” lúc nửa đêm tại UBND tỉnh Trà Vinh, ông Trần Khiêu - Chủ tịch tỉnh này đã xin nghỉ hưu trước tuổi.


Liên quan đến những nghi vấn về mối quan hệ với bà Ly, Chủ tịch tỉnh Trà Vinh phát biểu trên báo: “Về dư luận trong quan hệ tình cảm giữa tôi với Ly, thực sự là anh em rất thân nhau. Anh em với nhau như trong gia đình, rất là thân. Cũng có khi chính cái ngộ nhận như thế này… Mà không phải! Cái này, công việc của tôi có cả tập thể lãnh đạo của tỉnh quản lý, giám sát chứ. Phải chi tôi là một anh lính thì cũng có khi ít ai nhòm ngó tới. Nhưng công việc của mình liên quan tới xã hội cho nên đâu có phải cứ muốn làm gì là làm được đâu?"


Ông chủ tịch muốn nói gì thì nói, người dân đã hiểu ngầm và lại hiểu rất rõ, mối quan hệ giữa ông và bà Ly là thế nào. Mối quan hệ chằng chịt đó chính là đổi tình lấy tiền, đổi quyền hành lấy tình và đổi bất cứ thứ gì của nhà nước lấy cái gì ông muốn, bà thích.


Một chuyên gia kinh tế cao cấp thẳng thắn nói tọac ra, quyền lực đang bị ‘thương mại hóa” mạnh mẽ đến mức, các DN hiện nay phải dành rất nhiều tiền bạc và thời gian để chăm sóc các mối quan hệ với quan chức.




Cánh tay nối dài của xã hội đen

Một sự thật khác nữa là ở nhiều phường xã, ngay tại các thành phố lớn, nhỏ, lâu nay có nhiều người dân sống dưới sự thống trị ngầm của bọn xã hội đen mả bọn này lại hối lộ cho hầu hết các quan chức địa phương nên người dân đành im bặt như sống dưới ách phát xít, mặc cho bọn này lộng hành.



Người nông dân một nắng hai sương hay những doanh nghiệp làm ăn ở Khoái Châu (Hưng Yên), cuộc sống mưu sinh của họ được quyết định không phải bởi sự lao động của họ, mà bởi những kẻ giang hồ, bởi xã hội đen, rất ngang nhiên, công khai và trắng trợn.



Cách làm ăn của băng nhóm xã hội đen này cũng không mới: Đó là thâu tóm địa bàn hoạt động, đòi các doanh nghiệp nộp tiền “bảo kê” hàng trăm triệu đồng cho chúng. Bên cạnh đó là các hoạt động phi pháp như tổ chức cá độ, đánh bạc, cưỡng đoạt tài sản và đòi nợ thuê... Bảo kê cho doanh nghiệp buôn lậu; hay bảo kê đối với các hoạt động mại dâm, buôn bán ma túy, gỗ lậu; hay bảo kê cho các nhóm người sử dụng đất công để trông giữ xe, mở tiệm ăn nhậu, làm đủ thứ dịch vụ. Đụng tới nó là “no đòn”, nguy hiểm tới tính mạng, nhà tan cửa nát ngay. Có khi chính chúng lại cho người dân lại hiểu ngầm rằng “đường dây” đó là của anh Ba chị Tư đầy quyền lực từ tuốt tận “bên trên”.



Điều đáng nói, là sự cầu cứu hay đơn tố cáo của các doanh nghiệp ở địa phương này gửi lên các cơ quan chức năng có thẩm quyền của huyện đã chỉ gặp sự im lặng? Chả lẽ, chính quyền huyện Khoái Châu, các ngành chức năng của huyện này, trở thành “cánh tay nối dài” cho băng đảng xã hội đen ngang nhiên quản lý? Sự yên ổn làm ăn của các doanh nghiệp, của người dân hóa ra không phụ thuộc vào luật pháp mà phụ thuộc rất lớn vào... luật rừng.



Một tệ nạn khác, nhiều khi cảnh sát “ra quân” khám xét, kiểm tra vũ trường, quán bar hoặc triệt hạ bọn xã hội đen cũng đều bị lộ nên chẳng bắt được ai. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an), thẳng thắn nói: “Đối với bọn xã hội đen, tội phạm hoạt động có tổ chức, công an triệt phá chúng không khó. Nhưng cái khó nhất là trong vụ nào cũng đều dính dáng đến cán bộ cơ sở vì đã bị “mua” nên chưa đánh đã bị lộ”!



Kiểm tra vũ trường chưa đánh đã bị lộ vì cán bộ địa phương đã bị “mua”.


Cồng bà vẫn nguy hiểm hơn

Trên đây là những bằng chứng xác thực nhất để chúng ta có thể nhìn rõ hơn những “lệnh ông, cồng bà” thời nay biến chuyển như thế nào. Mỗi ngày nó được “khoa học hóa” nên càng tinh vi, nguy hiểm, tàn nhẫn và công khai. Có điểm hơi giống ngày xưa là “cồng bà” vẫn nguy hiểm hơn thật. Bởi nó kín đáo, được “ngụy trang” dưới nhiều lớp vỏ bọc nào là chỗ quen biết, chỗ thân tình, chỗ làm ăn buôn bán chung, chỗ con cái là bạn bè… và vô số cái chỗ có thể núp bóng được. Khi cần thì giả vờ ly dị cho “nàng” mang theo vài va li đô la, vài cục hột soàn ra nước ngoài hoặc cho con gái lấy… chủ ngân hàng Thụy Sĩ là êm re. Có bề gì, em đi trước, anh theo sau, cả gia đình ta biến hết là thượng sách. Hình như mấy anh đại gia ba Tàu ở Trung Quốc bây giờ cũng đang thực hiện chính sách này đấy, phải không bạn?

Văn Quang – 3-5-2013




Trích từ Việt Vùng Vịnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét