VN đã làm gì để hỗ trợ ngư dân bị đánh cướp?
Gia Minh, biên tập viên RFA 2013-07-11
Ngư dân trên hai chiếc tàu cá thuộc huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi hôm ngày 9 tháng 7 trở về từ quần đảo Hoàng Sa trong tình trạng tả tơi vì bị đánh đập, tàu bị hư hại do lực lượng mà những nạn nhân khai báo là từ Trung Quốc.
Cơ quan chức năng địa phương và Hội Nghề Cá đến nay đã có những động thái gì để hỗ trợ cho ngư dân?
Bị cướp thường xuyên?
Hai vụ việc mới nhất xảy ra đối với ngư dân huyện đảo Lý Sơn không phải là trường hợp duy nhất xảy ra trong thời gian từ đầu năm đến nay và cũng không ai có thể đoán trước đó là những vụ cướp phá, đánh đập, thậm chí bắt bớ, bắn dọa cuối cùng đối với những người ngư dân chuyên đi đánh bắt tại ngư trường truyền thống từ bao đời nay của họ như thế.Ông Trần Ngọc Nguyên, chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện đảo Lý Sơn vào sáng ngày 11 tháng 7 cho biết về tình hình liên quan hai chiếu tàu trong huyện bị nạn mới nhất trong cuộc nói chuyện với chúng tôi như sau:
Trần Ngọc Nguyên: Vấn đề này huyện cũng đã xác minh và báo về tỉnh rồi.
Gia Minh: Vậy xác minh được gì để báo cáo về tỉnh, thưa ông?
Trần Ngọc Nguyên: Xác minh cũng như báo đài trong những ngày qua đã đưa tin. Đó là ngư dân bị tịch thu, đập phá một số tài sản thành ra không thể hành nghề được, phải quay vào bờ.
Gia Minh: Huyện có thống kê số trường hợp tương tự như thế trong năm nay chưa?
Trường hợp như thế (bị cướp) thì một năm, huyện cũng có 7-8 trường hợp, bởi vì xảy ra thường xuyên.Trần Ngọc Nguyên: Trường hợp như thế thì một năm, huyện cũng có 7-8 trường hợp, bởi vì xảy ra thường xuyên.
-Ông Trần Ngọc Nguyên
Gia Minh: Chuyện đó xảy ra thường xuyên như vậy, và huyện có báo cáo cho tỉnh; vậy đã có những biện pháp hỗ trợ thế nào cho ngư dân?
Trần Ngọc Nguyên: Nói chung chỉ hỗ trợ an sinh xã hội bình thường theo chế độ của Nhà Nước thôi. Ngư dân nói riêng và nhân dân nói chung khi bị ảnh hưởng bởi thiên tai, ảnh hưởng về tính mạng, tài sản; Nhà nước có hỗ trợ về an sinh xã hội để giúp người ta phục hồi lại sản xuất.
Gia Minh: Đối với những trường hợp mất mát nhiều như tàu phải vay cả tỉ để đóng mà bị thiệt hại như thế, có gì hỗ trợ khác hơn không?
Trần Ngọc Nguyên: Để cụ thể hơn, phóng viên phải ra tận địa phương để trao đổi cho cụ thể hơn, chứ không thể nói qua điện thoại. Bây giờ tôi cũng đang đi công tác nên không thể có chi tiết được.
Gia Minh: Về chủ trương bám biển, lâu nay có những công việc cụ thể gì để giúp cho họ bám biển, thưa ông?
Trần Ngọc Nguyên: Nói chung cũng chỉ thực hiện đúng chính sách của Nhà nước thôi, hộ trợ đúng an ninh xã hội như tôi vừa nói. Còn chi tiết của việc này không thể trao đổi qua điện thoại bằng một câu, hai câu. Có dịp khác tôi sẽ trao đổi kỹ hơn.
Gia Minh: Việc lập nên đội tàu đi chung nhau đến nay hình thành chưa?
Trần Ngọc Nguyên: Việc đó, nói chung ngư dân hình thành nên để giúp nhau trên biển; đó là các tổ đội liên kết với nhau.
Gia Minh: Kêu gọi các cơ quan Nhà nước hỗ trợ cho ngư dân trong huyện bám biển tại những vùng biển truyền thống đã có đề xuất ra làm sao và thực hiện thế nào rồi?
Trần Ngọc Nguyên: Chi tiết có gì nói sau còn bây giờ tôi mắc bận.
Đó là những phản ứng cho đến lúc này của cấp huyện đối với trường hợp hai tàu cá của ngư dân Lý Sơn bị cướp phá và đánh đập trong vùng biển Hoàng Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, nhưng bị phía Trung Quốc cưỡng chiếm lâu nay.
Hỗ trợ vật chất cho ngư dân
Hiệp hội Nghề Cá vào ngày 11 tháng 7 cho biết có văn bản phản đối hành động cướp phá, đánh đập ngư dân Việt Nam mới nhất hồi ngày 7 tháng 7 vừa qua.Ông Trần Cao Mưu, phó chủ tịch Hội Nghề Cá Việt Nam cho biết điều đó như sau:
“Nay Hội Nghề cá Việt Nam đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng Việt Nam để biểu lộ tình cảm đối với ngư dân Việt Nam và phản đối hành động vi phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam, cũng như đánh đập và xâm phạm nghiêm trọng tài sản của ngư dân Việt Nam từ phía Trung Quốc hôm ngày 7 tháng 7. Việc tàu Trung Quốc ngang nhiên dùng vũ lực tấn công và cướp tài sản của ngư dân Việt Nam lần này leo thang hơn những lần trước, mang tính hệ thống, thực hiện ý đồ độc chiếm các biển đảo của Việt Nam; đi ngược lại tinh thần hữu nghị, hòa hảo giữa hai dân tộc Việt- Trung.
Chúng tôi đánh giá đây là việc làm mang tính hệ thống, vô nhân đạo của phía Trung Quốc. Họ không chỉ cướp tài sản mà còn đánh đập ngư dân. Hành động này không thể chấp nhận được. Họ đã vi phạm chủ quyền, biển đảo của Việt Nam; vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982; không phù hợp tinh thần Tuyên bố về Ứng xử của các bên, DOC. Cho nên Hội nghề cá của Việt Nam kịch liệt phản đối hành động này của phía Trung Quốc.”
Ông Trần Cao Mưu cho biết Hội Nghề Cá cũng có những hỗ trợ vật chất cho ngư dân gặp nạn:
Chúng tôi đánh giá đây là việc làm mang tính hệ thống, vô nhân đạo của phía Trung Quốc. Họ không chỉ cướp tài sản mà còn đánh đập ngư dân.“Đối với truyền thống lâu nay của ngư dân Việt Nam là lá lành đùm lá rách, kêu gọi lòng nhân ái giúp những người bị nạn sớm trở lại hoạt động bình thường. Thứ hai động viên ngư dân yên tâm sản xuất, đất liền là hậu phương vững chắc; rồi có phong trào kêu gọi ‘Tấm Lưới Nghĩa tình’; có những quỹ để giúp họ khi gặp thiên tai hay khi gặp sự cố trên biển gây ra.”
-Ông Trần Cao Mưu
Trước những hành động mang tính chất gây hấn, sử dụng vũ lực của phía Trung Quốc, ngoài những phản đối bằng lời như phát biểu vừa rồi của ông tổng thư ký Hội Nghề Cá, Việt Nam còn phải làm gì nữa?
Hồi năm ngoái, Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn Việt Nam cho biết sẽ thành lập Lực lượng Kiểm ngư với nhiệm vụ được cho biết là tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật và thanh tra chuyên ngành thủy sản trên các vùng biển của Việt Nam.
Ông Trần Cao Mưu nói rằng ông không rõ đến nay lực lượng kiểm ngư được hứa hẹn như thế hình thành đến đâu rồi; thế nhưng đó vẫn là mong mỏi của người ngư dân và Hiệp hội Nghề cá:
“Đến đâu rồi thì không biết; nhưng mà ngư dân trông chờ lực lượng này bảo vệ cho họ khi đang đi đánh bắt trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Rất đang trông chờ và ngày một ngày hai lực lượng đó sẽ đủ sức bảo đảm cho ngư dân Việt Nam. Hy vọng như vậy.”
Trông chờ, hy vọng vào những biện pháp bảo vệ của cơ quan chức năng mà đến nay chưa hình thành; trong khi đó ngư dân tiếp tục bị cướp phá, đánh đập. Mà đây không phải là lần thứ nhất như trường hợp của chủ tàu và thuyền trưởng tàu QNg 96787 TS, Võ Minh Vương. Biết bao khoản tiền được hỗ trợ từ chương trình Tấm Lưới Nghĩa tình, các khoản vay lại phải đổ biển khi ngư dân Việt Nam bị phía lực lượng Trung Quốc bắt giữ, cướp phá và đánh đập. Người ngư dân đặt câu hỏi ‘Liệu không lẽ cứ luẩn quẩn mãi như thế, không có cách nào giải quyết rốt ráo cho họ an tâm ra khơi bám biển hay sao?’
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét