Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

Đọc để biết phút cuối cùng của NV Trổi ra sao .

PRAVDA
Nguyễn Văn Chức 
(Trích đăng từ Nguyệt San Con Ong Việt số 106 tháng 8,2009)

Chú thích của tác giả: Pravda, tiếng Nga, nghĩa là: sự thật. Năm 1912, bọn bôn-sơ-vích đã dùng chữ pravda đặt tên cho một tờ báo tranh đấu. Năm 1917, khi chúng cướp được chính quyền, tờ Pravda trở thành cơ quan ngôn luận chính thức của đảng cộng sản Nga. Dưới chế độ cộng sản, ở Nga chỉ có hai tờ báo chính thức. Tờ Pravda của đảng, và tờ Isvestia (nghĩa là: tin tức) của nhà nước. Dân chúng Nga đã chế diễu rằng: “Không có sự thật trong Pravda và không có tin tức trong Isvestia”.
     Danh từ Pravda hiện nay được mọi người hiểu là “Sự thật bôn-sơ-vích”, tức là sự thật bị bóp méo, xuyên tạc, bịa đặt

Tôi về đến nhà đã thấy chiếc xe mô-tô đen của trung sĩ Ấn đỗ trước cửa. Ấn giơ tay chào, đưa cho tôi bức thơ của tòa án Mặt Trận, và yêu cầu tôi đọc ngay.
     Phong bì đóng dấu “tối mật”. Tôi ngắm nghía giây lát, rồi xé ra, bức thơ bên trong chỉ vỏn vẹn mấy dòng chữ đánh máy, nhưng tôi đã đọc rất lâu. Tôi ký vào bản sao, rồi đưa lại cho Ấn.
     Ấn có chào tôi hay không, và chiếc xe rồ máy lúc nào, tôi cũng không để ý. Tôi đang bận nghĩ đến hắn... Sáng mai, đúng 5 giờ 30 hắn sẽ bị hành hìmh.


*
     Cách đây một năm, luật sư đoàn chỉ định tôi biện hộ cho hắn trước tòa án Mặt Trận về tội phản nghịch và toan cố sát: hắn là tên đặc công đã bị bắt trong khi đặt chất nổ tại đường Tự Do. Theo luật hắn có thể bị tử hình.
     Sau khi xem hồ sơ, tôi vào nhà lao gặp hắn. Đây là một thói quen nghề nghiệp và cũng là một cái thú.Nói chuyện với những tử tù, thường phạm hay chính trị phạm, đôi khi hấp dẫn hơn  đọcmột quyển tiểu thuyết trinh thám bằng tranh.
     Tôi ngồi trong phòng đợi, nhìn ra vạt sân nắng bên kia hàng chấn song sắt, rồi chợt nhớ đến Nguyễn Văn Trọi (1). Trước đây, Trọi cũng đã nói truyện với tôi trong căn phòng này; y khóc như một đứa trẻ, thỉnh thoảng đưa hai ngón tay lên vắt nước mũi rồi quẹt xuống gầm bàn. Trọi còn trẻ, nhưng nét mặt già như người bốn mươi.
     Hắn trẻ hơn Trọi, mới hai mươi tuổi. Khi nhân viên nhà lao dẫn hắn đến “gặp luật sư” miệng hắn còn nhai nhóp nhép, hình như là bánh mì. Người hắn sặc mùi dầu khuynh diệp. Hắn khép nép ngồi xuống một cái ghế, rồi chăm chú nhìn tôi. Lúc ấy tôi mới để ý đến cái đầu húi cua và khuôn mặt non nớt của hắn. Khác hẳn với tấm hình đăng trên các báo: tóc dài bù xù, mặt nhăn nheo như mang đầy thẹo. Tôi mỉm cười hỏi:
- “Em vừa húi tóc?”. Hắn gật. Tôi lại hỏi:
- “Em là Trương Văn Đầy?”. Hắn gật.
- Em có bí danh Sáu Nhỏ, Hai Gà, Năm lựu Đạn, có phải vậy không?
Hắn gật.
- Em bị bắt trong khi đặt chất nổ tại đường Tự Do, có phải vậy không?
Hắn gật.
     Tôi nói cho hắn biết:
- Tôi là luật sư sẽ cãi cho hắn trước tòa, tôi vào gắp hắn để tìm hiểu thêm về tội phạm. Và tôi yêu cầu hắn kể lại tất cả sự việc từ đầu đến cuối, để giúp tôi phối kiểm lại hồ sơ.
     Hắn nhìn tập hồ sơ trên bàn, rồi nhìn ra ngoài sân rất lâu như đang suy nghĩ lung về một vấn đề.Tôi cũng nhìn hắn, và chợt thấy hắn dễ thương. Một lúc sau, hắn vẫn ngồi yên, tôi hỏi:
- “Khi lấy cung, người ta có tra tấn hoặc hăm dọa gì em không?”.
     Hắn mở to mắt nhìn tôi, tôi lại giục:
- “Em nên kể lại tất cả sự việc, từ lúc được móc nối cho đến khi bị bắt, bị hỏi cung. Em kể lại hay không đó là quyền của em, không ai bắt buộc em. Em cũng có thể từ chối không nhận tôi là luật sư của em và chọn một luật sư khác. Đó là quyền của em”.
     Hình như tôi còn nói nhiều nữa; tôi muốn “tới gần hắn”.Tôi chờ đợi hắn chấp nhận nói chuyện với tôi.
     Hắn nhìn tôi, tỏ vẻ dè đặt. Tôi đợi một lúc khá lâu, rồi lại hỏi:
- “Tất cả những điều em cung khai trong hồ sơ này đếu là sự thật, có phải vậy không?”. Hắn gật đầu một cách thản mhiên.
     Bên ngoài, vạt nắng đã thu hẹp lại ở một góc tường bao quanh cái sân nhỏ. Tiếng người gọi đi thăm nuôi, tiếng quát tháo hò hét, tiếng chửi thề, đã bắt đầu thưa thớt. Tôi không đeo đồng hồ, và trong phòng đợi cũng không có đồng hồ. Nhưng tôi đoán lúc đó khoảng bốn giờ chiều, nghĩa là gần hết giờ thăm nuôi phạm nhân. Riêng tôi, vì là luật sư, có thể nói chuyện với thân chủ cho đến 5 giờ. Khổ một nỗi, thân chủ lại không muốn nói chuyện với tôi. Tôi đành phải làm cái việc bất đắc dĩ của nghề nghiệp, là tóm tắt hồ sơ và đọc những điểm quan trọng cho thân chủ nghe, để thân chủ hoặc xác nhận, hoặc sửa chữa, hoặc chối bỏ.
     Hồ sơ hắn dầy gần trăm trang đánh máy, gồm phúc trình, điều tra và thẩm vấn của hai cơ quan anninh. Thư ký của tôi đã chép độ hai mươi trang quan trọng nhất. Riêng tôi đã dành trọn một ngày ở tòa ánmặt trận để đọc lại toàn bộ hồ sơ và ghi chú thêm. Cả một ngày như vậy phần vì lương tâm nghề nghiệp phần vì tính tò mò cố hữu. Trong vụ án chính trị cuối thời nhà Ngô, tôi đã tiêu phí cả tuần lễ để đọc và suy nghĩ về những lời khai của những bị can. Nhờ đó, tôi hiểu được phần nào cái uyên nguyên đã khiến một bị can tên tuổi tự vận trong đêm trước ngày tòa xử. Cái chết của nhân vật này đã gây chấn động trong và ngoài nước lúc đó (2). Riêng bị can Phan Quang Đán đã hành động khác. Suốt phiên xử, ông hiền lành như một con trừu non. Có lúc, con trừu ấy đã khóc thảm thiết (3).
     Tôi giở hồ sơ hắn ra và bắt đầu đọc.
     Hắn sinh tại Gò Dầu Hạ, bố vô danh. Mười lăm tuổi, hắn mồ côi mẹ và được người chú mang lên làm công cho một tiệm sửa xe vespa tại đường Trương Minh Giảng Sài Gòn. Trong thời gian sống ở Sài Gòn, hắn quen với một tên Tư, tên này xây dựng hắn và gửi hắn vào bưng học tập. Sau bốn tháng, hắn trở về Sài Gòn hoạt động trong tổ đăïc công của tên Tư. Một ngày trước khi bị bắt, hắn được tên Tư đưa về ăn uống tại hẻm đường Nguyễn Huệ. Rồi hai người thả bộ ra đường Tự Do để quan sát địa điểm hành động. Đó là một cái “bar” Mỹ mà hắn đã từng đi ngang qua nhiều lần. Chiều hôm sau, một buổi chiều thứ bẩy, tên Tư đem về hai cái bọc, mỗi cái đựng bốn ký thuốc nổ và bộ phận nổ chậm. Tên Tư gài bộ phận, rồi đặt cái bọc thứ nhất trong thùng một chiếc vespa màu xanh. Cái bọc thứ hai được đặt trong thùng một chiếc vespa màu trắng, hai người đi cách nhau độ ba mươi thước.Hắn có nhiệm vụ phá cái “bar” Mỹ đã quan sát chiều hôm qua; tên Tư có nhiệm vụ phá cái “bar” Mỹ khác gần khách sạn Eden Rock cuối đường Tự Do. Khoảng mười phút sau hắn tới ngang cái “bar”. Hắn ngừng xelại, còn tên Tư tiếp tục đi về phía cuối đường. Hắn xuống xe, nhắc chiếc xe lên lề đường, rồi dắùt chiếc xe về phía cái “bar”. Theo chỉ thị của tên Tư, hắn sẽ nghếch chiếc xe sát bờ tường cạnh cái “bar” rồi bỏ đi. Tên Tư cũng cho hắn biết: quả mìn sẽ nổ đúng 6 giờ. Hắn không đeo đồng hồ, nhưng hắn biết chắc hắn còn nhiều thì giờ, ít nhất là 15 phút để thi hành phận sự. Hắn lấy chân đạp vào chiếc cần sắt, kéo ngược chiếc xe lên, dựng sát bờ tường ngay cạnh cửa “bar”. Hắn chưa kịp bỏ đi thì người cảnh sát đứng bên kia đường thổi còi và ngoắc tay làm hiệu cho hắn dắt đi chỗ khác. Hắn đâm ra lúng túng và trong lúc hạ cần xexuống, hắn làm đổ chiếc xe. Hắn hì hục dựng chiếc xe lên. Người cảnh sát bên kia đường lại thổi còi. Hắn hốt hoảng... chiếc xe trở nên quá nặng đối với hắn... Hắn sẽ phải đứng lên, hắn sẽ phải dắt đi chỗ khác... và... hắn chợt nhớ tới qủa mìn... quả mìn sẽ nổ banh xác hắn. Hắn không kịp nghĩ thêm, hắn bỏ chạy. Hắn chạy ngược về phía Thành Lễ. Và hắn đã bị bắt trước tiệm kem đầu đường Nguyễn Huệ. Sau đó chừng 20 phút, cảnh sát lục soát chiếc xe và đã khám phá ra quả mìn. Theo phúc trình của cảnh sát thì bộ phận nổ chậm bị hư, nếu không, quả mìn đã nổ vào lúc 5:30, nghĩa là lúc hắn đang lúng túng với chiếc xe. Trong hồ sơ, hắn nhận hết tội lỗi, không một lần nào hắn chối tội hoặc phản cung. Hắn có vợ và một đứa con nhỏ.
     Tôi đọc hồ sơ thật chậm, thỉnh thoảng ngước mắt lên nhìn hắn, chờ đợi ở hắn một phản ứng, một lời nói. Nhưng tôi đã đọc hết dòng chót, mà hắn vẫn ngồi bất động, đôi mắt nhìn xuống mặt bàn. Có lẽ hắn không nghe tôi đọc.
     Tôi muốn hỏi hắn về nhiều điểm trong hồ sơ, nhất là về tên Tư. Nhưng lúc đó nhân viên nhà laobước vào, cho tôi biết chỉ còn đúng 5 phút với hắn. Tôi nhìn ra ngoài, thở dài.Mảnh sân đã hết nắng. Khi sấp hồ sơ bỏ vào cặp tôi vô ý làm rớt tấm ảnh của thằng con trai tôi, nó mới được 1 năm. Tôi chợt nhớ ra rằng hắn cũng có một đứa con còn nhỏ. Tôi liền hỏi:
- “Từ ngày em bị bắt, em đã gặp con chưa?”.
     Hắn nhìn tôi rất nhanh, đôi mắt có vẻ khẩn thiết. Tôi lại hỏi:
- “Em có muốn gặp vợ và con không?”.
     Hắn túm tím miệng, nuốt nước bọt cái ực rồi nói vội vàng:
- “Ông có giúp tôi được không?”. Tôi gật. Lúc đó hắn mới cho biết:
- “Theo lời khuyên của tên Tư, một tuần trước khi đi đặt chất nổ, hắn đã cho vợ con về sống với quê ở Mỏ Cày. Hắn hy vọng vợ hắn đọc báo đã biết tin hắn bị bắt và đem con lên Sài Gòn. Hắn cho tôi hai địa chỉ ở Sài Gòn, và yêu cầu tôi làm mọi cách để vợ con hắn vào thăm hắn trong tù. Hình như hắn muốn nói nhiều nữa, nhưng nhân viên nhà lao đã bước vào đem hắn đi. Hắn bỗng nắm chặt lấy tay tôi, cánh tay run run. Hắn nhìn tôi, và tôi thấy mắt hắn ướt.
     Chiều hôm ấy, khi ra khỏi nhà lao, tôi lái xe thẳng đến khuôn viên nhà thờ Đức Bà, gởi xe cho một đứa bé, rồi thuê xích lô đạp về chợ Cầu Ông Lãnh. Tối mịt, tôi mới ra về. Tôi không tìm thấy vợ con hắn.
     Trưa hôm sau, tôi viết hai lá thơ, một cho người chú, một cho vợ hắn, báo tin ngày tòa xử và nhắn vợ hắn đến văn phòng tôi với hai tấm hình để làm thủ tục xin giấy đi thăm nuôi. Ký xong hai bức thư, tôi vào nhà lao báo cho hắn biết về cuộc tìm kiếm của tôi. Nhưng tôi không được gặp hắn: hắn đã bị trả về an ninh quân đội để bổ túc hồ sơ. Từ đó đến hôm tòa xử, tức là hai tuần lễ, tôi không có dịp gặp hắn nữa.
     Hôm tòa xử, tôi đi sớm; Mới 8 giờ sáng, tôi đã có mặt ở bến Bạch Đằng. Khi lái xe vào cổng tòa án mặt trận, tôi thấy một thiếu phụ ôm con ngồi nép ở lối đi, bên cạnh một cái lẵng. Không hiểu sao, tôi nghĩ đó là vợ hắn.Tôi đỗ xe trong sân tòa, rồi trở ra cổng gặp người thiếu phụ. Tôi hỏi ngay:
- “Chị là vợ anh Đầy?”. Thiếu phụ gật đầu. Tôi hỏi:
- “Chị được tin từ hôm nào?”.
     Thiếu phụ cho biết, khi đọc báo biết tin chồng bị bắt, chị muốn lên Sài Gòn ngay, nhưng vì đứa con đau nặng, nên ông bà già không cho đi. Cách đây 4 hôm chị nhận được thưcủa người chú cho biết ngày tòa xử, vả lại đứa con cũng đã gần hết bịnh, nên ông bà già mới cho đi. Tôi nhìn đứa bé nằm ngủ trong lòng mẹ, da nó xanh mét. Thỉnh thoảng nó cựa mình rên khẽ khẽ, người mẹ lại lấy tay vỗ nhẹ để ru. Chị ta hỏi tôi:
- “Thưa ông, liệu ảnh có việc chi không?”. Tôi không tìm được câu trả lời, nhìn đứa bé rồi hỏi:
- “Cháu được mấy tháng rồi?”.
     Chị ta trả lời:
- “Con sanh cháu được 6 tháng thì ảnh bị bắt”.
     Bỗng có tiếng còi hụ và tiếng người nhốn nháo.Tôi nhìn về phía đường Bạch Đằng. Một chiếc xe cam nhông đang chờ tới. Đó là xe chở tội nhân. Khi chiếc xe đi ngang qua, tôi nhìn thấy hắn và người vợ cũng nhìn thấy chồng. Chị ta vội đứng dậy, một tayxách lẵng, một tay ôm con, lễ mễ đi vào trong sân tòa.
     Tội nhân đã xuống khỏi xe, đứng sắp hàng giữa sân. Hắn đứng hàng chót, ngơ ngác nhìn quanh như tìm kiếm. Vợ hắn gọi lớn:
- “Anh Hai, em và con đây này!”. Hắn quay mặt về phía tiếng gọi, và khi trông thấy vợ, hắn dơ hai tay bị còng lên như muốn ôm ghì một hình bóng. Vợ hắn đứng cách hắn chỉ một khoảng sân, chị ta bỏ lẵng xuống, rồi chạy lại phía hắn. Nhưng người lính đã ngăn lại, và ra lệnh cho đoàn tội nhân đi vào hành lang.
     Đây là một lối đi lộ thiên nằm giữa hai bức tường của hai căn nhà quay lưng vào nhau. Người ta dùng chỗ đó để giữ tội nhân trong khi chờ tòa gọi ra trước vành móng ngựa.
     Hắn ngồi hàng chót, nép vào chân tường, tay hắn đã được mở còng. Vợ hắn lễ mễ đến gần, người lính định cản lại, nhưng hình như thấy tình cảnh tội nghiệp, nên để cho đi qua. Tôi chỉ kịp trông thấy người đàn bà ngồi thụp xuống, rồi nghe tiếng khóc nức nở. Hắn không khóc, mở to mắt nhìn đằng trước, một tayđể lên vai vợ, một tay vuốt tóc con. Lúc sau, người vợ dùng vải áo chùi nước mắt, rồi lấy ra một xị nước ngọt đựng trong túi ni lông đưa cho chồng:
- “Anh uống đi cho đã khát, em có mua cho anh ổ mì thịt để trong lẵng”. Hắn rời taykhỏi vai vợ, đỡ lấy túi nước ngọt đưa lên môi, nhưng tay kia vẫn sờ trên mình đứa con, đôi mắt dịu hẳn xuống. Trong một lúc tình cờ, hắn ngửng đầu lên, hắn nhìn thấy tôi đứng bên kiađường. Tôi giơ tay làm hiệu chào hắn.
     Chỉ còn độ một hai giờ nữa, tòa sẽ xử đến vụ hắn. Tôi muốn nói truyện với hắn. Nhưng tôi không nỡ làm bận rộn cuộc sum họp của gia đình hắn. Tôi linh cảm đó là cuộc sinh hoạt lần cuối. Tôi thở dài ái ngại, rồi bỏ đi ra phía sân tòa.
     Thời gian như chậm lại. Hắn, con hắn, vợ hắn, lởn vởn trong đầu óc tôi. Làm thế nào để cứu hắn khỏi chết? Làm thế nào để tòa ánhiểu rằng: Hắn cũng như Nguyễn Văn Trọi và bao nhiêu người khác, chỉ là nạn nhân đáng thương của một hệ thống đểu cáng và tàn bạo nhất trong lịch sử nhân loại.
     Mãi mười một giờ, tòa mới kêu đến vụ hắn.Hắn từ hành lang đi ra, bên cạnh hai người lính. Vợ hắn theođằng xa, rụt rè bước vào ngồi ở hàng ghế cuối. Phòng xử đông nghẹt dân chúng.
     Trước vành móng ngựa, hắn nhỏ bé và non nớt hơn cái hôm tôi gặp hắn trong tù. Da hắn xanh, nét mặt thản nhiên. Tôi đến bên hắn, hắn quay lại nhìn tôi một thoáng rồi lại nhìn thẳng đằng trước mặt. Không khi nặng nề oi bức. Cả phòng xử im lặng.
     Ông chánh thẩm hỏi lý lịch rồi truyền cho hắn về ghế bi can để nghe bản cáo trạng. Tôi cũng đi xuống ngồi bên cạnh hắn. Hắn xích lại gần, như tỏ lòng biết ơn. Tiếng viên lục sự đều đều vang trong phòng xử. Cả tòa, từ chánh thẩm, phụ thẩm, ủy viên chính phủ và công chúng ngồi dưới, lắng tai nghe bản cáo trạng. Chỉ có hắn là không. Hắn nhìn mông lung đằng trước mặt như đang suy nghĩ. Có lẽ hắn nghĩ tới vợ và con hắn. Bởi vì tôi chợt thấy hắn quay đầu lại nhìn xuống phòng xử, như tìm xem vợ hắn ngồi đâu. Bỗng nhiên mặt hắn biến sắc, tay hắn run run, đầu cúi gầm xuống.
     Lục sự đã đọc xong bản cáo trạng. Hắn rời ghế bị can, đi ra trước vành móng ngựa.
     Tòa hỏi:
- “Anh đã nghe bản cáo trạng. Anh bị cáo về tội phản nghịch và toan cố sát. Anh có nhận tội không?”. Hắn gật đầu.
- Anh có gì để tự bào chữa không? Hắn lắc đầu.
- Anh có thể kể lại cho tòa nghe tất cả sự việc, từ đầu đến đuôi không? Hắn nhìn ông chánh thẩm, nhìn các sĩ quan phụ thẩm, nhìn tôi, rồi lắc đầu.
     Tòa lại hỏi:
- Có phải chính anh đỗ chiếc xe vespa trước cửa tiệm? Hắn gật đầu.
- Anh có biết trong xe có thuốc nổ không? Hắn gật.
- Anh đỗ chiếc xe có thuốc nổ trước cửa “bar”, để phá cái “bar” ấy phải không? Hắn gật.
- Tên Tư bao nhiêu tuổi, vóc dáng như thế nào? Hắn đứng im, không trả lời.
     Ông chánh thẩm nhìn tôi, tôi nhìn ông ta. Một bên ở vào thế khó xử, một bên ở vào thế khó cãi.
     Ủy viên chính phủ bèn hỏi lớn:
- “Tại sao bị can không trả lời?”.
     Hắn chỉ ngước mắt nhìn ủy viên chính phủ, rồi đứng im như bức tượng.
     Khi tòa trao lời cho ủy viên chính phủ chính thức đặt câu hỏi, thì ông nhún vai, như muốn nói với tòa rằng ông không có gì để hỏi một bị can chỉ biết gật với lắc đầu. Nhưng chỉ vài giây sau, ông ta hỏi lớn:
- “Thằng Tư, tên thật nó là gì?  Và địa chỉ thật của nó ở đâu?”.  Hắn lại nhìn ủy viên chính phủ rồi im lặng. Ủy viên chính phủ bèn làm cái cử chỉ quen thuộc, để tòa hiểu rằng ông không còn gì để hỏi nữa.
     Đến lượt tôi đặt câu hỏi. Tôi hỏi:
- “Khi lấy cung em có bị đánh đập, tra tấn, hăm dọa gì không?. Hắn lắc đầu.Tôi hỏi câu chót:
- “Em có hối hận vì đã nghe lời dụ dỗ của tên Tư không?”. Hắn cúi nhìn xuống đất, rồi lắc đầu.
     Tôi đưa ra hai cây sào. Không ngờ hắn đã từ chối không nắm lấy, và hình như còn thích thú để cho nước cuốn trôi đi.Nước mắt người vợ và tình thương con đã không làm hắn thay đổi.
     Lăn lộn trong nghề và đã từng gặp nhiều bất trắc, nhưng chưa bao giờ tôi buồn và thất vọng như hôm ấy.
     Ủy viên chính phủ đứng lên buộc tội. Ông nhấn mạnh đến trường hợp quả tang phạm pháp, bản chất của tội trạng (phản nghịch và toan cố sát) và thái độ ngoan cố của hắn. Ông kết luận:
- “Trong cuộc đấu tranh chống cộng sản, chúng ta cần phải nghiêm trị những kẻ phá hoại trật tự an ninh, những tên cán bộ nằm vùng, những tên đặc công khủng bố giết người không gớm tay. Nếu hôm đó quả mìn nổ, bao nhiêu dân chúng qua đường đã chết thảm, bao nhiêu dân chúng vô tội đã bị què cụt, đui mù...”. Ông yêu cầu tòa lên ántử hình.
     Tòa trao lời cho tôi.
     Trách nhiệm của tôi quá lớn và nhiệm vụ quá khó khăn.Biên hộ cho một bị can phạm tội phản nghịch và toan cố sát với trường hợp gia trọng. Bị can ấy đã nhận tội, từ đầu đến cuối không lúc nào phản cung. Bị can ấy từ chối không trả lời một câu hỏi nào của tòa án. Giọng nói tôi trầm trầm. Tôi nói, hình như không phải cho tòa nghe, mà cho chính tôi nghe. Tôi đang cố trả lời những câu hỏi mà chính tôi thắc mắc.
     Tại sao hắn không có một lời tự bào chữa?. Tại sao hắn đã nhận tội một cách dễ dàng và không một lần nào phản cung, trong hồ sơ cũng như trước tòa?. Hắn là một đặc công bị bắt trong khi đặt chất nổ, chắc chắn hắn không tránh khỏi sự tra tấn trong khi lấy cung. Tại sao hắn không nói điều đó ra trước tòa?.Chẳng những vậy, hắn còn phủ nhận việc hắn bị tra tấn. Tên Tư là ai?. Tại sao hắn lại im lặng không chịu cung khai?. Tại sao hắn đã từ chối trả lời ngay cả những câu hỏi có lợi cho hắn?.
     Không ai muốn chết, không ai muốn bị hành hình, không ai muốn bị bắn chết như một con chó tại một góc tường. Huống chi hắn mới hai mươi tuổi, có vợ, có con, thương vợ thương con. Chỉ có một câu trả lời: hắn đã bị quyến phạm tội ác. Sau khi phạm tội ác, hắn vẫn bị theo dõi, hắn sợ bị trả thù, hắn sợ vợ con hắn bị hãm hại, nên đã phải im lặng. Biết đâu trong phòng xử ngày hôm nay không có một tên Tư nào đó, đang ngồi theo dõi hắn?.Hướng về ông ủy viên chính phủ, tôi nói như tâm sự:
- “Tôi đồng ý là chúng ta, những người quốc gia, phải thẳng tay – nếu cần, phải giết – những tên cộng sản khát máu, những tên cộng sản khủng bố dân chúng, phá hoại an ninh trật tự, những tên đặc công giết người không gớm tay. Nhưng trong mhiện vụ, tôi không nghĩ rằng bị can là một tên cán bộ cộng sản, một tên khủng bố, một tên đặc công đúng với ý nghĩa và tầm vóc của nó. Và điểm quan hệ trong vụ này là: quả mìn đã không nổ”. Kết luận, tôi yêu cầu tòa khoan hồng, bị can mới hai mươi tuổi, phạm tội lần đầu tiên, có vợ và có con còn nhỏ, vì vậy đáng được hưởng sự khoan hồng ấy.
     Sau lời biện hộ của tôi tòa hỏi:
- “Bị can có điều gì muốn nói không?. Bị can có quyền nói lời chót”. Hắn lắc đầu.
     Tòa ngưng xử, bước vào phòng luận tội. Một nửa giờ sau, tòa trở ra tuyên án. Không phải một bản án khổ sai hữu hạn, khổ sai chung thân, như tôi nghĩ. Mà là: tử hình. Lập tức hắn bị còng taydẫn đi.
     Lúc đó đã quá trưa, người ta kéo nhau ra về. Tôi thơ thẩn xách áo ra xe, và khi lái xe qua cổng tòa, tôi thấy vợ hắn ôm con ngồi khóc.
     Tôi về văn phòng, viết đơn xin ân xá cho hắn. Đây chỉ là một vấn đề thủ tục, nhưng tôi đã làm với sự cẩn trọng như một lễ nghi tôn giáo. Tôi muốn cứu hắn khỏi chết. Vì nhân đạo. Vì nghề nghiệp.Và cũng vì trường hợp cá biệt của hắn. Hắn khác Nguyễn Văn Trọi. Nguyễn Văn Trọi khóc lóc, la hét trước tòa, và sau khi tòa lên án tử hình, Trọi đã hô lớn “Hồ Chí Minh muôn năm” rồi lại khóc lóc la hét. Còn hắn, hắn nín thinh.
     Hắn khác Nguyễn Hữu Thọ. Nguyễn Hữu Thọ cao ngạo, hậm hực trước tòa (4). Hắn chịu đựng, nhẫn nhục đến độ gần như khắc kỷ (stoique).Tôi nhớ đến bài thơ “La mort du loup”...
*
     Một năm đã trôi qua.
     Bức thư mà trung sĩ Ấn đưa cho tôi chiều nay chỉ vẻn vẹn mấy dòng chữ đánh máy:
- “Trân trọng báo để luật sư tường, đơn xin ân xá của Trường Văn Đầy đã bị bác. Ngày mai, hồi 5 giờ 30, bản án sẽ được thi hành. Nếu luật sư muốn hiện diện nơi hành quyết, xin có mặt tại trung tâm cải huấn Chí Hòa lúc 4 giờ 30. Trân trọng”.
     Suốt đêm tôi trằn trọc không ngủ, đầu óc lởn vởn khuôn mặt của hắn và hình ảnh hắn ngồi trong hành lang, một tay để lên vai vợ, một tay sờ trên mình đứa con. Chưa đầu 4 giờ sáng, tôi đã thức dậy, đi vào khám.
     Tôi bước vào phòng đợi, đã thấy một vị sư mặc áo tu hành đang ngồi lần chuỗi hột. Viên quản đốc nhà lao cho tôi biết: nhà sư đã tới trước tôi cả nửa giờ. Lúc sau, một linh mục bước vào, trong bộ quân phục thiếu tá tuyên úy. Bốn giờ ba mươi, ủy viên chính phủ đến. Rồi đoàn người, gồm viên quản đốc, ủy viên chính phủ, luật sư và hai vị tuyên úy, lặng lẽ đi vào một căn phòng rộng. Thường nhật đây là chỗ tập họp điểm danh tội nhân trước và sau khi đi làm hoăïc đi tòa.
     Hắn đã ngồi đó từ bao giờ, bên cạnh cái bọc quần áo. Ánh sáng vàng bệch của ngọn đèn cáu bụi trên trần phả xuống bốn bức tường trắng. Tôi chợt có ý nghĩ kỳ lạ, là đang bước vào căn nhà xác của một bệnh viện.
     Đoàn người đến gần, hắn dứng dậy, đôi mắt như dò hỏi. Một phút im lặng, dài như một ngày. Ủy viên chính phủ trịnh trọng nói với hắn:
- “Anh hãy can đảm lên và nghe tôi đọc”. Rồi ông lớn tiếng đọc bản án tử hình và bản quyết định bác đơn xin ân xá của hắn. Hắn cúi đầu nhìn xuống sàn nhà, đôi mắt mở to, người hắn run lên. Nhưng chỉ giây lát, hắn lấy lại bình tĩnh. Hắn hỏi:
- “Bao giờ người ta xử tôi?” Viên quản đốc để tay lên vai hắn trả lời:
- “Ngay sáng hôm nay”. Rôi ông thân mật nói với hắn:
- “Bây giờ em có muốn ăn uống gì không, khám đường sẽ chu tất cho em?”. Hắn lắc đầu.
     Lúc đó, không ai bảo ai, mọi người đều nói với hắn một vài câu an ủi. Không khí thân mật và âu yếm như trong cuộc tiễn đưa. Riêng tôi, chỉ nhìn hắn, tôi muốn nói truyện riêng với hắn và đó là quyền của luật sư “hiện diện”. Ủy viên chính phủ đồng ý và cho biết: tôi có ba phút. Rồi mọi người đi ra để mình tôi với hắn.
     Khi người cuối cùng ra khỏi phòng, hắn nắm tay tôi và nhìn tôi rất lâu. Tôi hỏi:
- “Em có muốn nhắn gì vợ con không?” Hắn suy nghĩ giây lát rồi nói:
- “Luật sư có gặp thì bảo đừng ở dưới vườn, và nhớ nuôi lấy thằng Cảnh”. Tôi lại hỏi:
- “Em chết có điều gì oán hận không?”. Hắn không trả lời. Tôi yên ủi hắn:
- “Ai cũng phải chết một lần. Đời sau mới là điều quan hệ. Em theo đạo nào?”. Hắn lưỡng lự không trả lời.
     Tôi là người công giáo. Tôi ước muốn hắn dành một phút để nghĩ đến thượng đế và lòng thương mênh mang hơn vũ trụ của ngài. Nhưng ủy viên chính phủ đã bước vào nói nhỏ:
- “Luật sư hết giờ rồi”. Rồi ông thân mật nói với hắn:
- “Ở đây có hai vị tuyên úy, em muốn nói truyện với ai?”. Hắn nhìn nhà sư mặc áo tu hành, hắn nhìn vị linh mục mặc quân phục thiếu tá, rồi xin được nói truyện với nhà sư.
     Tôi cúi đầu theo ủy viên chính phủ và vị linh mục đi xa ra một góc phòng. Nhìn về phía hắn, thì thấy nhà sư cúi đầu tụng kinh và hắn cũng cúi đầu, như lắng tai nghe kinh. Khoảng khắc nhà sư ngửng đầu lên, để tay lên vai hắn trong cử chỉ vỗ về bao dung. Lúc đó là 5 giờ, giờ khởi hành. Người ta xúm chung quanh hắn, mỗi người nói một câu chân tình. Hắn như chợt nhớ ra, xin phép được thay quần áo. Một sĩ quan chạy đến cầm cái bọc đưa lại. Hắn mở bọc, lấy một cái áo sơ mi cụt tay mầu xám và một cái quần dacron đen. Khi hắn thay quần áo, tôi nhìn thấy những vết thẹo và lằn roi trên da thịt xanh xao của hắn. Thay xong quần áo, hắn xin một điếu thuốc. Viên quản đốc mỉm cười, đi lấy một bao thuốc ách chuồn trịnh trọng rút ra một điếu, dộng dộng trên móng tay cái, rồi đưa cho hắn, Hắn đưa lên môi và được ông quản đốc châm lửa.
     Lúc đó, nhân viên an ninh đến; hắn ngoan ngoãn đưa hai tay chụm đằng trước để người ta còng. Rồi đoàn người đi ra khỏi phòng. Hắn đi đầu, thản nhiên qua từng đợt cửa, thỉnh thoảng đưa hai tay còng lên môi hút thuốc. Khi mọi người ra tới sân, điếu thuốc gần lụi, và hắn buông rơi xuống đất.
     Ra tới sân nhà lao, hắn bước lên bậc đằng sau chiếc xe bít bùng, hơi cúi đầu một chút, rồi đi vào trong xe. Cửa xe đóng sập lại. Tôi lên xe riêng, lái thật nhanh ra khỏi nhà lao.
     Chiếc xe tôi lầm lũi đi trong đêm, ánh đèn pha chiếu dài cả một con đường Lê Văn Duyệt. Thành phố Sài Gòn đang trở mình thức giấc. Một vài gánh hàng rong lặng lẽ đi trong lề. Và đâu đó có tiếng động cơ quen thuộc của những chiếc xe lam dậy sớm.
      Tới bùng binh chợ Bến Thành, tôi đã thấy đám đông bu quanh vùng ánh sáng của pháp trường. Ký giả ngoại quốc chạy nhốn nháo, với máy ảnh và máy quay phim.
     Cảnh sát chận xe tôi, và sau khi nhìn thấy chiếc áo đen, đã dẹp đám đông cho xe tôi vào. Tôi đỗ xe ngay sát chân tường nhà Hỏa Xa, cách pháp trường cát độ 30 thước. Những ngọn đèn pha đã được đặt từ bao giờ. Tất cả đều chĩa vào mấy bao cát, tạo thành vùng ánh sáng rợn người. Một chiếc cọc đen, đàng sau là những bao cát chất thành vòng cánh cung, và cách đó độ 3 thước. Một chiếc quan tài đậy nắp, trên nắp có một xấp vải trắng. Xa nữa là chiếc xe chữa lửa.
     Tôi đứng trong vùng ánh sáng chưa được 15 phút thì nghe tiếng còi tu hít của cảnh sát dẹp đường và tiếng còi hụ. Người ta chạy nhốn nháo. Tôi ngước mắt nhìn ra, thấy đoàn xe đang tiến tới. Chiếc xe bịt bùng, chầm chậm đỗ lại bên lề đường. Giây lát sau hắn bước xuống. Tôi rời khỏi chỗ đứng, chạy đến bên hắn, rồi cùng hắn đi vào pháp trường. Hắn và tôi đi đầu, theo sau là đoàn người áp giải.
     Hắn bước đều đều, mặt cúi xuống đất. Dân chúng bu nghẹt, chỉ để chừa một lối đi, được án ngữ bằng hàng rào an ninh.
     Bây giờ chúng tôi đã bước vào vùng ánh sáng. Hắn bỗng ngửng đầu lên, và đứng khựng lại. Người lính đi đằng sau lấy tay đẩy nhẹ vào lưng hắn, hắn lại tiếp tục bước tới.
     Tôi đoán, chiếc quan tài và tấm khăn liệm đã làm hắn khựng lại. Hình ảnh thực của chiến tranh không tìm thấy ở chiến trường mà tìm thấy trong các bệnh viện, nơi đó có những hình hài cụt chân, cụt tay, những đống thịt bầy nhầy, những hố mắt, những cuộn băng bê bết máu mủ và những tiếng rên rỉ đau đớn. Và hình ảnh trung thực của cái chết vẫn là cái quan tài, tấm khăn liệm và những người thân yêu mặc đồ sô trắng tiễn đưa.
     Hắn và tôi đã bước vào trong vòng bao cát. Người ta mở cổng, rồi giữ ghì lấy hai cánh tay hắn, đẩy hắn dựa lưng vào chiếc cọc sắt. Hai cổ chân hắn bị trói, chụm vào chân cọc; Hai cánh tay hắn bị kéo ngược ra đằng sau, buộc vào một cái cọc ngang, khiến người hắn phải kiễng lên. Hắn nhăn mặt kêu đau. Tôi nói với sĩ quan an ninh:
- “Đằng nào tội nhân cũng sắp chết, ông nên hạ thấp cọc ngang xuống, kẻo máu dừng nơi nách, tội nghiệp”. Vị sĩ quan gật đầu. Hắn nhìn tôi, và lần đầu tiên hắn nói:
- “Cám ơn luật sư”.
     Lúc đó, đội hành quyết đã sắp hàng chỉnh tề, chỉ còn đợi sĩ quan quân trấn trưởng đến là khởi sự. Nhưng ông ta chưa đến. Một phút, hai phút, rồi năm phút trôi qua. Dân chúng đứng chen chúc bên ngoài, cách pháp trường độ một trăm thước, im lặng chờ đợi.
     Chỉ còn mình tôi đứng sát bên hắn. Hắn trăn trối:
- “Luật sư nhớ bảo vợ tôi đừng ở dưới vườn, đừng nghe theo chúng nó, và nhớ nuôi lấy con”. Tôi gật đầu. Hắn bỗng nấc lên:
- “Con ơi, con ơi. Cảnh ơi, Cảnh ơi”. Tiếng nấc của hắn làm tôi mũi lòng. Tôi để tay lên vai hắn, định an ủi nhưng cổ tôi bị mắc nghẹn không ra lời. Rồi chợt nghĩ đến đời sau của hắn, tôi nói thầm bên tai hắn:
- “Xin thượng đế giúp em chết lành. Em chết, nhớ phù hộ cho vợ con”. Hắn lại nấc lên và gọi:
- “Cảnh ơi, Cảnh ơi”.
     Chính lúc đó, quân trấn trường đến. Người ta bèn bịt mắt hắn. Hắn vẫn nấc, vẫn gọi tên con. Có tiếng lên đạn đằng sau lưng tôi. Ông ủy viên chính phủ nói lớn:
- “Xin luật sư đứng tránh ra”.
     Tôi đi dật lùi ngang về phía trái, mắt không rời hắn. Miệng hắn vẫn lắp bắp gọi con. Một loạt đạn nổ. Đầu hắn ngoẹo về bên trái. Máu trong người hắn từ từ chảy róc xuống chân. Viên đội trưởng đội hành quyết đến gần cọc, nắm tóc kéo ngược đầu hắn về phía sau, dí khẩu súng vào màng tang bắn phát súng ân huệ. Một tiếng “Đét” khô khan.
     Người ta vội vàng liệm xác hắn, và chiếc vòi nước của xe chữa lửa vội vã rửa sạch vết máu trước khi mặt trời mọc.
*
     Tối hôm đó, đài phát thanh Hà Nội mặc niệm hắn, hết lời ca tụng cái chết anh hùng của hắn. Đài phát thanh Hà Nội nói rõ rằng: Từ lúc bị trói vào chân cột cho đến lúc chết, hắn đã noi gương anh hùng Nguyễn Văn Trọi, không ngớt đả đảo Mỹ Ngụy và hô to khẩu hiệu Hồ Chí Minh muôn năm.
Nguyễn Văn Chức

Chú Thích:
(1) Nguyễn Văn Trọi bị bắt trong lúc ôm bom ở cầu Công Lý, chờ ám sát phái đoàn Mac Namara hồi năm 1964. Nguyễn Văn Trọi bị xử tử và được Mặt Trận Giải Phóng cũng như Hà Nội ca tụng là anh hùng. Hiện nay có đường Nguyễn Văn Trọi tại Sài Gòn, (hình như là đường Trương Minh Giảng cũ).

(2) Nhất Linh Nguyễn Tường Tam uống độc dược quyên sinh tại nhà riêng trong đêm mùng 7 tháng 7 1963.

(3) Phan Quang Đán phải hèn, vì đã viết thơ cho hai anh em họ Ngô, xin “Tổng thống và ngài cố vấn” khoan hồng tha tội. Bức thưđó, Ngô Đình Nhu có trao cho ủy viên chính phủ.

(4) Năm 1957, luật sư Nguyễn Hữu Thọ bị bắt và bị truy tố về tội hiếp dâm. Phiên tòa xử ở Nha Trang Luật sư đoàn ở Sài Gòn đã cử một phái đoàn hùng hậu ra Nha Trang biện hộ cho Nguyễn Hữu Thọ, trong số đó có thủ lãnh Vương Quang Nhường, luật sư Bùi Tường Chiểu, Vũ Văn Hiền, Vũ Văn Huyền, Nguyễn Lâm Sanh v.v... Một luật sư người Pháp là ông Couget cũng có mặt trong phái đoàn biện hộ. Tòa đã tha bổng Nguyễn Hữu Thọ vì “nghi vấn”. Sau 1975, Nguyễn Hữu Thọ là phó chủ tịch nhà nước Việt Cộng.
Nguyễn Văn Chức


























nguồn : http://www.skyscrapercity.com Forum


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét