Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

'Luật rừng' đang bùng phát ở Việt Nam

'Luật rừng' đang bùng phát ở Việt Nam

Coi luật pháp như trò đùa, người dân nhiều địa phương ở Việt Nam đã tự tay đánh đập, hành hạ kẻ trộm một cách tàn nhẫn. Tình trạng này ngày càng lan rộng, mỗi lúc một nhiều.
Ðáng nói là đông đảo người hiếu kỳ ra mặt ủng hộ, tán dương hành vi bất nhân diễn ra nơi đông người, trên đường phố.

Hôm 5 tháng 7 vừa qua, công luận có dịp mục kích cảnh đám đông vây bắt, trói chặt chân tay thanh niên trộm xe gắn máy. Kẻ trộm bị đâm mù mắt, trở thành nạn nhân của trò vây đánh “hội đồng” một cách tàn nhẫn đến nỗi tơi tả áo quần, mặt mày, thân thể bê bết máu.. Mặc cho nạn nhân khóc lóc, van xin thảm thiết, nhiều người đứng chỉ trỏ, cười đùa...




Thanh niên trộm xe gắn máy bị bắt, bị đâm mù mắt. (Hình: báo Pháp Luật & Xã Hội)

Ðầu năm nay xảy ra vụ một cô gái lẻn vào sân trường đại học nọ định trộm xe gắn máy, bị bắt cột vào gốc cây. Cô bị người đi đường đánh đập tàn nhẫn, bất chấp lời lạy lục, van xin. Hồi tháng 4 qua, người ta còn vây đánh một cô gái bằng ống nứa, ném cát vào mặt... ngay trước mặt công an, tại huyện Cư Jut, tỉnh Ðắk Nông. Cô gái này bị nghi là đồng phạm trong một vụ trộm tiêu hạt của người dân ở địa phương.

Một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội Việt Nam lâu nay là nạn vây đánh “hội đồng,” rồi bỏ mặc kẻ trộm chó cho tới chết, bất chấp sự can thiệp của chính quyền địa phương. Theo báo Pháp Luật & Xã Hội, hai vùng nổi tiếng xảy ra nhiều vụ đánh chết người trộm chó một cách dã man là Nghệ An và Thanh Hóa.

Có vụ, người ta tìm lại được con chó bình yên, trong khi hai “cẩu tặc” đã bị đánh gục: một người chết, còn một người trong tình trạng nguy kịch. Vụ này xảy ra ngày 10 tháng 6 vừa qua tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Trong vụ này, xe công an địa phương đến can thiệp, bị người dân ném đá buộc phải rút lui, bỏ mặc nạn nhân nằm lại hiện trường chờ chết.

Một số nhà xã hội học ở Việt Nam khuyến cáo chính quyền không thể để kéo dài tệ nạn dùng luật “rừng” để trừng trị tội phạm tại các địa phương. Theo dư luận, tình trạng hành xử theo kiểu luật “rừng” cho thấy chính quyền địa phương không đủ sức bảo vệ pháp luật và mục tiêu của nền giáo dục nhân bản ở Việt Nam hầu như sụp đổ hoàn toàn.


(Người Việt)
Posted by AnhHaiSG at 00:33

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét