Chữ 'hiếu' bị bóp méo trong mùa Vu Lan
Friday, August 23, 2013 3:39:59 PM
Phương Minh/Người Việt
VIỆT NAM (NV) - Như bao mùa Vu Lan khác, các chùa tổ chức lễ Báo Hiếu cho Phật tử, những chương trình văn nghệ gợi nhắc công ơn sinh thành, gợi nhắc đạo làm con và những hy sinh của bậc sinh thành dành cho con cái.Bài hát “Bông Hồng Cài Áo” với giai điệu ngân nga, mượt mà, trầm ấm vang lên khắp chốn. Thế nhưng, thời đại “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” đã khiến cho chữ Hiếu cùng những hình thức chuyển tải nó bị méo mó, dị dạng.
Lễ mừng Vu Lan ở chùa. (Hình: Phương Minh/Người Việt) |
Anh Huỳnh Ðản, một Phật tử ở Ðông Hà, Quảng Trị, buồn bã chia sẻ với chúng tôi: “Mùa Vu Lan năm nay khôi hài quá, báo hiếu cho cha mẹ nhưng người ta, kể cả các chùa lại cúng áo giấy, vàng mã một cách vô tội vạ, nói là vô tội vạ vì người ta cúng cả áo cưới, vàng nhẫn cưới cho người âm.”
“Mà cha mẹ mình đương nhiên là lúc sống đã có hôn nhân, có con cái, vậy mình cúng áo cưới là để làm gì chứ? Người ta chẳng còn hiểu biết gì về chuyện tâm linh, chỉ cần có tiền, thấy cái gì đắt, cái gì thời thượng là mua cúng cha mẹ, có người, năm nay đã sáu mươi tuổi, nghĩa là cha mẹ quá cố của họ chí ít cũng tám mươi, vậy mà mua xe tay ga đốt gởi xuống, một chiếc như vậy hai mươi mấy triệu đồng, để tiền đó làm từ thiện có khi cha mẹ thấy vui hơn!”
Cùng tâm trạng với ông Ðản, một Phật tử khác tên Nguyễn Thị Dương cho chúng tôi biết: “Chữ hiếu bây giờ kỳ cục quá, có nhiều người quanh năm suốt tháng để cha mẹ lủi thủi một mình, đói khổ, cô đơn, buồn rầu, thế mà đến lễ Vu Lan, họ tới chùa, lăng xăng đủ thứ, lúc làm lễ cũng rươm rướm nước mắt. Ðồng thời trong lúc đó, cha mẹ họ đang ngồi buồn xo ở nhà, cơm hẩm canh nguội vì thiếu bàn tay chăm sóc của con cái.”
“Ðó là chưa nói đến nhiều người định nghĩa chữ hiếu bằng tiền bạc, họ cứ nghĩ đơn giản rằng có nhiều tiền, cúng dường nhiều vào, đến mùa Vu Lan mang tiền đến chùa cúng cho nhiều, được ghi danh vào bảng vàng của chùa là xem như xong phần hiếu đạo.”
“Thật ra, ngày lễ này mang tính chất nhắc nhở con cái phải biết sống hiếu đạo với cha mẹ, phải kính trọng cha mẹ, bậc sinh thành ra mình. Sự trang nghiêm, cảm động và huyền bí của câu chuyện Ðức Mục Kiền Liên cứu mẹ dưới địa ngục mang thông điệp đánh thức lòng hiếu đạo của con cái chứ không phải là kiểu làm hiếu đạo đầy hình thức như bây giờ.” Chùa chiền mất thiêng
Một cư sĩ tu tại gia, yêu cầu giấu tên, sống tại Ðông Hà, Quảng Trị, chia sẻ với chúng tôi: “Khi đồng tiền lấn vào cửa Phật, mọi thứ trở nên đảo lộn. Nếu như trước đây, tinh thần nhà Phật là Từ Bi, Hỷ Xả, Vô Phân Biệt, Vô Sai Biệt, không chấp giàu nghèo, miễn là tấm lòng đủ mạnh để lay thức, chiêu cảm vong hồn của cha mẹ, bậc sinh thành nơi chín suối, để bậc sinh thành thấy ấm áp, an tâm mà siêu thoát. Một chén cơm, một dĩa muối mè cũng đủ rồi.”
Hoa cho ngày báo hiếu. (Hình: Phương Minh/Người Việt) |
“Còn bây giờ, mọi thứ được qui ra tiền mặt, nếu bạn muốn cầu siêu cho bậc sinh thành, bạn phải bỏ ra một số tiền nhất định theo qui ước của mỗi chùa, có khi vài chục ngàn đồng, có khi vài trăm ngàn đồng, nói chung là trông rất thực dụng và khô khốc, mất hết ý nghĩa tâm linh.”
“Ví dụ như bạn nghèo, bạn đến chùa để cúng dường, để nhờ chư thầy cầu siêu cho cha mẹ, chắc chắn rằng một số chùa trong giáo hội Phật Giáo Việt Nam bây giờ sẽ không có sư thầy tiếp bạn mà để cho các đệ tử ra tiếp, thậm chí một người đại diện trong đạo hữu, cách tiếp đãi cũng không nhiệt tình, mặn mà như các sư thầy đã tiếp những đại gia.”
Chị Lê Thị Mỹ Ý, một Phật tử khác ở Khe Sanh, Hướng Hóa, cho chúng tôi biết: “Nếu mình là người giàu, đi xe hơi đến, chư thầy sẽ tiếp đãi rất nồng hậu, nếu mình nghèo, chư thầy sẽ để người khác tiếp và cầu siêu cho cha mẹ mình cũng qua loa, lấy lệ.”
“Ðương nhiên hiện tượng này xảy ra ở khá nhiều chùa, mà các chùa này đều là chùa quốc doanh hay nói cách khác đi là chùa thuộc giáo hội Phật giáo Việt Nam do nhà nước công nhận. Tìm hiểu ra mình mới thấy một vấn đề hết sức trầm trọng, đó là ở các chùa này, gần như hệ thống hoạt động của nó theo cơ chế hành chính nhà nước.”
“Nghĩa là nó có cả tham nhũng, đút lót, mua chức vị, mà chức vị đặc biệt quan trọng của họ là trụ trì, cái chức này thời bây giờ ăn nên làm ra hơn cả một giám đốc doanh nghiệp. Chức trụ trì được hưởng từ 25% đến 45% tiền cúng dường. Với số tiền này, sư trụ trì tha hồ hưởng thụ. Chính vì thế mà phát sinh lòng tham và tính giảo hoạt, tranh hơn tranh thua, tìm cách đút lót để làm trụ trì. Mình biết có một trụ trì, trước khi làm trụ trì ở một ngôi chùa cấp huyện đã đút lót hết 700 triệu đồng.”
“Thử hỏi, lấy tiền đâu để đút lót như vậy? Và khi đút lót xong, chắc chắn bằng mọi giá phải lấy lại vốn và kiếm lãi. Và với đà này, Phật sự sẽ đi về đâu? Khổ lắm!"
Tiết Tháng Bảy mưa lâm râm, trời u ám gợi lên nỗi buồn thiên cổ nào đó của những oan hồn cô đơn nơi suối vàng. Và mỗi tiếng chuông, mỗi câu kinh như một lời tự sự chiêu cảm những linh hồn mau quay về siêu thoát. Nhưng, với những người tụng kinh vẫn còn nặng chuyện vật dục, liệu tâm linh của họ có đủ mạnh để chiêu cảm, để cầu quốc thái dân an?!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét