Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

Nhìn lại cuộc đời blogger Điếu Cày

Nhìn lại cuộc đời blogger Điếu Cày

Thanh Quang, phóng viên RFA
TranhdauchoDieuCay-Danlambao-305.jpg
Thân nhân blogger Điếu Cày tranh đấu cho anh trước Tổng cục 8 - Bộ Công an hôm 26/7/2013
Photo courtesy of danlambao


Thứ Sáu tuần rồi, anh Nguyễn Trí Dũng, con trai của tù nhân lương Tâm Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, sau khi được gặp cha vài phút tại trại tù số 6 ở Nghệ An, cho Đài ACTD chúng tôi biết là blogger Điếu Cày đã ngưng tuyệt thực:
(Bố tôi nói) Mục đích chính đã đạt được, để cho mọi người biết hiện trạng giam giữ tù nhân lương tâm. Thứ hai là để cơ quan chức năng khẳng định đã nhận được những đơn của tập thể đội A, trại giam số 6 ở Thanh Chương, Nghệ An đã ký. Đã đạt được mục đích chính nên cùng ngày 27 bố tôi đã ăn trở lại.
Từ Hà Nội, blogger J.B.Nguyễn Hữu Vinh nhận xét:
Hôm nay, chúng tôi cũng thấy vui hơn vì dù sao thì anh Điếu Cày cũng đã đảm bảo được tính mạng vẫn còn tồn tại. Nhưng ở đây cần rút ra một kết luận là cách xử sự đối với tính mạng con người trong cái chế độ này, trong cái nhà nước này là tính mạng con người bị coi rất rẻ.
Luôn khắc khoải cho vận nước
Điếu Cày Nguyễn Văn Hải đã tuyệt thực 35 ngày liên tiếp để phản đối giới cai ngục biệt giam ông vì ông không ký tên nhận “tội”. Mà nếu cho là có tội, thì ai cũng rõ Điếu Cày chỉ có mỗi một “tội yêu nước”. Và không biết có phải vì đáp ứng lời dặn dò “Biển Đông vạn dặm dang tay giữ, Đất Việt muôn năm vững trị bình” của cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cách nay khoảng nửa thiên niên kỷ hay không mà người tù lương Tâm của Thế kỷ 21 này phải lâm cảnh đoạ đày ở nhà tù số 6 của Bộ Công an VN tại xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An ?

Ngược dòng thời gian, vào thời điểm đánh dấu biến cố 30 tháng Tư năm 1975, anh bộ đội Nguyễn Văn Hải “giã từ vũ khí”, gầy dựng được một sự nghiệp thành công, cuộc sống sung mãn. Blogger Người Buôn Gió nhớ lại “ Ngày ấy mới có blog 360, người cựu chiến binh Nguyễn Văn Hải đang có cuộc sống an nhàn như bao người khác ở tuổi sắp về già, anh tìm đến blog như tìm đến một thú chơi, trên blog của mình anh khoe những bức ảnh chụp trên mọi miền Tổ quốc. Có lẽ nếu Hoàng Trường Sa không dậy sóng, nước biển không hòa máu ngư dân Việt Nam...Nguyễn Văn Hải sẽ thành một nhiếp ảnh gia có cái hiệu dân dã là Điếu Cày”. Nhưng, blogger Người Buôn Gió báo động:
Từng là người lính, người có tâm với đất nước, Nguyễn Văn Hải gác bỏ đời sống an nhàn, đầy đủ để xuống đường tham gia vào cuộc biểu tình và những hoạt động đòi hỏi chủ quyền cho quê hương.
- Blogger Người Buôn Gió
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền biển Đông bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa là của họ nên nhân dân hai miền Nam Bắc Việt Nam đứng lên biểu tình vào cuối năm 2007. Từng là người lính, người có tâm với đất nước, Nguyễn Văn Hải gác bỏ đời sống an nhàn, đầy đủ để xuống đường tham gia vào cuộc biểu tình và những hoạt động đòi hỏi chủ quyền cho quê hương.
Với tâm trạng luôn khắc khoải cho vận nước, dân tộc, blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải đã trở thành một trong những người đầu tiên báo động giang sơn gấm vóc VN từ “Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau” mà tiền nhân tốn xương máu gầy dựng và để lại đã bị phương Bắc cướp mất Mục Nam Quan, Thác Bản Giốc trong khi VN cũng đã mất Hoàng Sa, một phần Trường Sa, biển đảo lâm nguy…Nghĩa là, nói theo nhà thơ Trần Mạnh Hảo:
Đất nước đang treo trên sợi chỉ mành
Sợi chỉ mành 16 chữ vàng và dối lừa 4 tốt
Có kẻ rước giặc lên bàn thờ
Xì xụp lạy khấn tàn nhang chủ nghĩa
Những giáo điều làm cơm nguội bơ vơ
Rồi trong bối cảnh đông đảo những thanh niên, sinh viên rầm rộ xuống đường bày tỏ lòng yêu nước và đồng loạt khẳng định chủ quyền lãnh hải, lãnh thổ của tiền nhân, thì hình ảnh hiên ngang của Điếu Cày xuất hiện trước thềm Nhà Hát TP Saigòn với biểu ngữ “ Hoàng Sa-Trường Sa là của VN”, “Tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh”…Như vậy là:
Bác Điếu vác cày đi trước
đảng mình lẻo đẻo theo sau
đảng ta theo hoài tắt thở
điên tiết tống bác vào tù
.

Bị tù vì yêu nước ...
08127E35-3AF5-427F-BFB1-B863F2C5FB09_w300_cy8_r1_s.jpg
Blogger Điếu Cày trước tòa
Blogger J.B. Nguyễn Hữu Vinh cho biết trước đây anh chỉ chú ý, ở mức độ nào đó, một blogger bị giam giữ về tội trốn thuế. Nhưng sau đó, khi Điếu Cày Nguyễn Văn Hải chuẩn bị ra tù, một số anh em bạn bè định đến đón Điếu Cày thì mới biết ra anh không được về mà phải bị giam giữ tiếp để thụ án khác thêm mười mấy năm tù nữa. Từ đó, blogger J.B. Nguyễn Hữu Vinh cảm thấy không còn nghi ngờ gì nữa ở những biện pháp bẩn thỉu của nhà cầm quyền để giam giữ tiếp Điếu Cày, trong khi thực ra, Điếu Cày chỉ có mỗi hành động là chống TQ xâm lược, chỉ vì yêu nước. Blogger J.B. Nguyễn Hữu Vinh cho biết tiếp:
Tôi cũng lấy làm lạ là từ khi bị giam giữ ở vùng phía Nam thì anh Điếu Cày sau đó lại bị đưa ra vùng Nghệ An miền Trung nắng cháy, heo hút, xa xôi. Tôi có dấu hỏi là tại sao những người bị giam giữ ở Miền Nam như Tạ Phong Tần, Điếu Cày phải bị đưa ra tận ngoài này.
Tìm hiểu kỹ hơn một chút thì tôi biết trong chế độ nhà tù tại VN hiện nay, nhà nước cho họ đi tù nhưng không đảm bảo được sự sống của họ, cho nên gia đình phải thăm nuôi để bảo đảm cuộc sống tối thiểu của họ trong tù. Và khi giới cầm quyền chuyển người ta đi xa như vậy thì đó là hành động gây khó khăn, hành động gần như trả thù hèn hạ. Việc anh Điếu Cày phải tuyệt thực trong tù là biện pháp bất đắc dĩ thôi. Ở trong tù thì đó là phương cách không còn con đường nào khác. Họ phải dùng tính mạng của mình một cách nguy hiểm như vậy để tranh đấu cho cái quyền cơ bản tối thiểu của họ theo đúng pháp luật.
Cách làm đằng sau đó của nhà nước rất kỳ lạ. Một nhà nước mệnh danh là của dân, do dân, vì dân thì thì việc tù tội lẽ ra không bị trả thù, thì tại sao họ phải bưng bít thông tin ở trong tù ? Người nhà tới hỏi rằng nghe nói Điếu Cày bị biệt giam, tuyệt thực thì cán bộ trại giam bảo không phải bị biệt giam mà là giam “bóc tách”. Rất buồn cười ở chỗ là bây giờ họ sáng tác ra rất nhiều từ “thật là hay”, kiểu như không phải biệt giam mà “giam bóc tách”, hay không có tù nhân mà chỉ có “phạm nhân” thôi, rất là hài hước.
Qua bài “Người tự viết bản án của mình”, blogger Vũ Đông Hà nhận thấy bản án của blogger Điếu Cày phát xuất từ việc ông không dằn được “những niềm đau và nỗi nhục Hoàng Sa-Trường Sa” để phải “khai bút” thành “tội danh” yêu nước bằng chính con tim, khối óc cùng hành động ái quốc của mình – Điếu Cày yêu nước thiết tha, khác với kiểu “yêu nước” của đảng. Tác giả nhận xét:
Điếu Cày, cùng với các thành viên của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do, đã bày tỏ thái độ kiên cường, xứng đáng là hậu duệ của Trần Bình Trọng – thà làm Quỷ Nước Nam còn hơn làm Vương Đất Bắc, khi anh và các bạn viết lên áo trắng: Việt Nam muôn năm – Bọn Trung Quốc xâm lược hảy cút khỏi Hoàng Sa và Trường Sa.
Blogger Hà Sĩ Phu qua thực tiễn “nghiệm” ra rằng chỉ có mấy cái tội sau đây là bị nhà nước “ghét” nhất, đó là: “ tội xúc phạm đến tình hữu nghị 16 chữ vàng và 4 tốt”, “ tội lập tổ chức “ngoài sự lãnh đạo”; và tội…bướng – trong trường hợp Điếu Cày có nghĩa là “nhất định giữa khí phách, lương tâm và danh dự cá nhân, không chịu phục tùng”. Theo TS Hà Sĩ Phu thì 3 cái tội vừa nói, “Điếu Cày đều dính cả”, mà trọng tâm là tội thứ nhất, tức “tội chống Tàu xâm lược”.
Những người có tâm trong sáng, nhân cách đàng hoàng, thuyết phục được lòng người là mối lo ngại của một chính quyền như chính quyền Việt Nam.
- Blogger Người Buôn Gió
Blogger Người Buôn Gió, qua bài “Điếu Cày Nguyễn Văn Hải một tấm gương”, cho biết, đến tận bây giờ, vẫn chưa hiễu nỗi tại sao nhà cầm quyền lại “truy bức anh Điếu Cày một cách sát ván như vậy ?”. Nhắc tới câu người mình hay nói là “trông mặt mà bắt hình dong”, Người Buôn Gió nhận thấy tướng mạo của những nhà tranh đấu cho quê hương, dân tộc, từ Điếu Cày, Lê Quốc Quân, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn Đài cho tới Tạ Phong Tần, Phạm Thanh Nghiên, Bùi Minh Hằng, Huỳnh Thục Vy.v.v… “chắc chắn không thể là người xấu” và “có thừa tư cách để đáng được tôn trọng”. Blogger Người Buôn Gió còn lưu ý thêm “một Tạ Phong Tần tuy không xin gái cho lắm” và mặc dù có người rỉ tai cảnh báo “chị ấy là an ninh đóng giả dân chủ”…nhưng anh chưa bao giờ tin. Tại sao ?
Người Buôn Gió giải thích “ Đơn giản vì lời văn của chị có lửa, ánh mắt của chị ngay thẳng, lời của chị dứt khoát rõ ràng dù đôi khi gay gắt nhưng đó là một người phụ nữ đáng tin. Người như thế không làm điều khuất tất được, cũng khó mà nhập vai đóng giả bộ này nọ được”. Theo Người Buôn Gió thì Điếu Cày Nguyễn Văn Hải là người mà anh “tin ngay khi lần đầu gặp”, và có lẽ “đó là điều ở anh mà nhà cầm quyền này lo sợ đến mức muốn truy bức anh đến tận cùng cuộc đời”. Rồi tác giả quả quyết:
Người ta xử tù anh vì anh có khuôn mặt dễ mến, dễ gần, và anh có tính cách ngay thẳng, can trường khiến nhiều người nể phục. Họ xử anh vì anh dám từ bỏ một cuộc sống an nhàn, khá dư dật để chấp nhận bị tịch thu nhà, bị bỏ tù mà không từ bỏ những điều anh thấy mang lại tốt đẹp cho dân tộc. Những người có tâm trong sáng, nhân cách đàng hoàng, thuyết phục được lòng người là mối lo ngại của một chính quyền như chính quyền Việt Nam. Bởi vậy án tù dành cho họ rất dài như Trần Huỳnh Duy Thức, Hồ Đức Hòa, Nguyễn Văn Hải...
... và vì ghét Trung Quốc
citizen-photo-250.jpg
Blogger Điếu Cày. Citizen photo
Mặc dù hiện Điếu Cày đã ngưng tuyệt thực, nhưng blogger Người Buôn Gió không quên cám ơn nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa đã can đảm báo tin tuyệt thực của Điếu Cày – hai hành động tuyệt thực và báo tin tuyệt thực đều đáng kính phục như nhau. Rồi Người Buôn Gió vẫn nhớ trong xà lim B14 có “tiếng hát não nề của ông Nghĩa vang trong buồng giam bên cạnh “Thế là chị ơi, rụng bông hoa gạo. Hoa gạo rụng mùa này, để mùa sau lại nở”. Và chừng nào hoa gạo trên đất nước này đến mùa lại nở, thì Người Buôn Gió tin rằng “những người tù như các anh sẽ chói chang trong lòng người Việt như màu hoa gạo ấy”.
Tình cảnh bị tù đày của người tù lương tâm Điếu Cày Nguyễn Văn Hải cùng những người tù lương tâm, người tù chính trị khác trong bối cảnh TQ ngày càng lấn lướt, gặm nhấm lãnh hải, lãnh thổ quê hương VN trong khi nhà cầm quyền trong nước ứng phó yếu hèn với phương Bắc khiến blogger Trúc Giang lo ngại “ Một Thời Kỳ Bắc Thuộc Rất Nguy Hiểm Đã Bắt Đầu”. Theo tác giả thì “VN đã lệ thuộc TQ từ lâu rồi”, nhất là khi ông Vương Gia Thuỵ, Trưởng ban Đối ngoại của TQ, khẳng định rằng “Việt Nam và Trung Quốc đã hợp tác chiến lược toàn diện. Cơ chế xã hội giống hệt nhau. Con đường phát triển tương tự như một. Quan hệ hai nhà nước ổn định và cùng một mục đích phát triển chấn hưng sự nghiệp Xã Hội Chủ Nghĩa”.
Tác giả cũng không quên lời tuyên bố của Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Nguyễn Chí Vịnh rằng “hai nước giải quyết mâu thuẫn trên tinh thần hữu hảo” dù TQ đã chiếm Hoàng Sa, một phần Trường Sa, tiếp tục lấn chiếm biển đảo của VN, đưa tàu tuần tra thường xuyên ở biển Đông, xây cơ sở, pháo đài…trên các đảo đã chiếm và đang “án binh bất động” ngày càng đáng ngại trong lãnh thổ VN. Tác giả nhân tiện nêu lên câu hỏi:
Công dân Việt Nam yêu nước như Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha mạnh mẽ lên án – nguyên văn – “ bọn Tàu khựa”, nếu xét về tội, thì chỉ có tội với “bọn Tàu khựa” thôi, thế nhưng tại sao đảng CSVN lại trừng phạt hết sức nặng nề hai người tuổi trẻ yêu nước nầy ? Chửi Tàu thì dính líu gì tới đảng ? Thế mà họ lại bỏ tù những công dân yêu nước ấy ?
Nhưng rồi tác giả nhớ tới việc “thi bá” Tố Hữu đã “nhận tổ quy tông” từ lâu qua hai câu thơ:
“Bên nây biên giới là nhà
Bên kia biên giới cũng là quê hương”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét