Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2013

Đình công “tự phát”, sự khó xử của đảng Việt cộng .

Đình công “tự phát”, sự khó xử của đảng cộng sản

Kính Hòa, phóng viên RFA

dinh-cong-305B
Hơn 2.000 Công nhân Công ty TNHH Ivory Việt Nam đình công sáng ngày 29/07/2013.
Photo courtesy of NhânDân


Các cuộc đình công tự phát của công nhân liên tục xảy ra trong khi các tổ chức công đoàn do nhà nước quản lý dường như không liên quan gì đến các cuộc đình công đó.

Mô hình dân chủ tập trung

Ngày 27/7/2013 hai ngàn công nhân thuộc công ty may mặc Ivory ở huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình đã đình công đòi tăng lương, công nhân đã trở lại làm việc sau ba ngày đình công. Tin này được báo Nhân Dân loan tải, dù tờ báo của Đảng cộng sản này rất ít khi đưa tin những vụ đình công mà chính phủ Việt Nam gọi là “tự phát,” từ thường dùng để chỉ các cuộc tập hợp đông người hay đình công mà không do nhà nước hay đảng cộng sản tổ chức.
Ngày 26/7/2013, báo Lao Động, cơ quan ngôn luận của Tổng công đoàn lao động Việt Nam đăng bài viết về các cuộc đình công của công nhân trong những năm gần đây. Theo bài viết này thì từ năm 1995 đến nay có 5.000 cuộc đình công, tức là cứ 3 ngày có hai cuộc đình công. Và bài báo nêu câu hỏi là tại sao không có cuộc đình công nào được tổ chức bởi “công đoàn cơ sở,” từ dùng để chỉ các tổ chức công đoàn do nhà nước và đảng cộng sản lãnh đạo ở các nhà máy và công ty.

Theo điều 10 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, “Công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội của giai cấp công nhân”.
Bên cạnh đó, theo luật công đoàn Việt Nam năm 1990 thì: “Công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động Việt Nam tự nguyện lập ra dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”
Như vậy tổ chức công đoàn trực thuộc đảng cộng sản Việt Nam, lực lượng chính trị duy nhất được phép hoạt động.
Trước khi có cuộc đổi mới kinh tế cho phép tư nhân trong và ngoài nước được quyền tham gia hoạt động kinh tế, trong tất cả các cơ quan hành chính, công ty, nhà máy… đều có một cơ cấu gọi là bộ tứ bao gồm: Chi bộ đảng cộng sản, Chính quyền (tức là ban giám đốc điều hành), Công đoàn, và Đoàn thanh niên cộng sản. Mô hình này nằm trong mô hình quyền lực mà đảng cộng sản gọi là dân chủ tập trung.
Luật gia Lê Hiếu Đằng nói với chúng tôi về tổ chức của Liên đoàn lao động, tức là liên minh của các công đoàn:
“Tiếng là tổ chức của người lao động nhưng thực tế là trong chế độ toàn trị thì những người lãnh đạo đều do đảng chọn lựa hết.”
Sự ra đời của các đơn vị kinh tế tư nhân trong cơ chế thị trường đã làm cơ cấu bộ tứ nói trên không còn rõ rệt, hoặc thậm chí không tồn tại trong các công ty có vốn tư nhân hay nước ngoài. Và điều đương nhiên phải xảy ra trong nền kinh tế thị trường chính là những cuộc đình công khi có sự mâu thuẫn quyền lợi giữa giới chủ và công nhân. Cơ cấu dân chủ tập trung đã và đang không còn kiểm soát tầng lớp công nhân của mình nữa, mà về nguyên tắc thì đảng cộng sản lại là một đảng của công nhân.
marumitsu-dinh-cong-250B
Công nhân nhà máy Marumitsu tại Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh, ngoại thành Hà Nội đình công chiều ngày 13/4/2011. File photo.
Khi cuộc biểu tình tại Thái Bình xảy ra, biên tập viên Gia Minh đã hỏi một quan chức ở sở Lao động và thương binh xã hội của tỉnh, cơ quan mà về nguyên tắc là có quan hệ mật thiết với tổ chức công đoàn của nhà nước thì được trả lời như sau:
“Tôi cũng chưa nắm được cái này anh ạ, phải sang làm việc cụ thể chứ điện thoại thế này không biết ai là ai cả.”
Cũng có thể đây chỉ là câu trả lời thoái thác, tránh trả lời một câu hỏi nhạy cảm liên quan đến ổn định chính trị xã hội. Nhưng việc đó làm rõ thêm quan hệ mới giữa dân chủ tập trung của đảng cộng sản và các thế lực tư bản tài phiệt. Một mặt đảng cộng sản vẫn mang danh là đảng của giai cấp công nhân, có nhiệm vụ chống lại sự bóc lột của giới tư bản đối với công nhân làm thuê. Mặt khác do cần nguồn vốn đầu tư của giới tư bản, đảng cộng sản và cùng với tổ chức đứng dưới quyền lãnh đạo của họ là Công đoàn của nhà nước, phải bắt tay với giới tư bản. Đảng cộng sản Việt Nam và nhà nước do nó lãnh đạo đã cố gắng tổ chức các công đoàn cơ sở trong các công ty có vốn đầu tư của tư nhân. Và những người phụ trách các tổ chức này lãnh lương của các công ty. Các tổ chức công đoàn cơ sở này đứng trước một nhiệm vụ vô cùng khó khăn.

Cấm công đoàn độc lập

Theo bài báo của báo Lao động thì hồi tháng 2 năm 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị công đoàn giảm 50% số vụ đình công. Như vậy họ phải thỏa hiệp với giới chủ mà họ lãnh lương mà đồng thời cũng phải thực hiện nhiệm vụ vinh quang của họ là bảo vệ giai cấp công nhân. Mà nếu muốn giảm đình công thì phải có một sự thương lượng giữa công nhân và giới chủ. Điều này những người đại diện công nhân do đảng lựa chọn và ăn lương của chủ tư bản rõ ràng không thể làm được.
Luật gia Lê Hiếu Đằng nói tiếp về các người phụ trách công đoàn cơ sở của nhà nước:
“Họ đâu có đại diện cho quyền lợi của công nhân được, họ không thể phát động đình công, thậm chí họ còn theo giới chủ, đàn áp hoặc ngăn cản công nhân đình công.”
Ông Lê Hiếu Đằng nói tiếp về vấn đề những người đại diện cho công nhân, trong đó ông có so sánh với tình hình của các nghiệp đoàn trước năm 1975 tại miền Nam:
“Trước 75 tổ chức người lao động là tổ chức của những người lao động thực sự do đó họ mới đấu tranh cho quyền lợi của họ, còn những lãnh tụ là do họ bầu nên.”
Khi đảng cộng sản còn trong bóng tối, họ đã tổ chức các hoạt động công đoàn mà lịch sử của họ tự hào ghi lại sự thành công của các tổ chức như Công hội đỏ Bắc Kỳ, Tổ chức Công hội của ông Tôn Đức Thắng tại Ba Son Sài Gòn… Một điều rất khác biệt so với các tổ chức công đoàn của họ ngày nay mà họ không ghi nhận là các tổ chức công đoàn lịch sử của họ thực sự độc lập với nhà đương cuộc, và với giới chủ.
Gần đây một số nhà đấu tranh cho công nhân đã đứng ra thành lập những công đoàn độc lập, và tất cả những người đó đều đã bị tống giam, trong đó có người nữ tù nhân trẻ tuổi Đỗ Thị Minh Hạnh. Đảng cộng sản chưa biết cách nào để giảm các cuộc đình công nhưng cũng rất lo ngại một kịch bản Công đoàn đoàn kết xảy ra ở Vịet Nam khi công nhân có tổ chức độc lập riêng của họ.
Ông Lê Hiếu Đằng nói về các tổ chức công đoàn độc lập ở phương tây:
“Họ đấu tranh cho quyền lợi của công nhân trong luật pháp, họ đâu có lật đổ nhà nước. Như vậy mới mà một xã hội công dân.”
Bài báo của báo Lao động đề nghị: Phải để cho người lao động chọn những người có tâm huyết, được họ tín nhiệm bầu vào công đoàn cơ sở.
Quả bóng dường như nằm trong chân của đảng cộng sản Việt Nam, hoặc từ bỏ ý niệm gọi là dân chủ tập trung muốn quản lý tất cả, hoặc cho phép ra đời các tổ chức công đoàn thực sự, độc lập, để bảo vệ những người công nhân mà mấy mươi năm nay đảng cộng sản vẫn tuyên bố dưới bóng cờ công nông mang hình ảnh búa liềm của họ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét