Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2013

Facebook bị yêu cầu cung cấp thông tin

Facebook bị yêu cầu cung cấp thông tin




Trung tâm dữ liệu của Facebook ở Thụy Điển
Trung tâm dữ liệu của Facebook ở Thụy Điển
Facebook đã nhận 9.000-10.000 yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu từ các cơ quan khác nhau của chính phủ Mỹ trong nửa sau năm 2012.
Mạng xã hội này cho hay các yêu cầu trên liên quan tới khoảng 18.000-19.000 tài khoản, và được đưa ra với các lý do từ chống tội phạm ở mức địa phương tới an ninh quốc gia.
Trong khi đó Microsoft nói đã nhận 6.000 tới 7.000 yêu cầu cung cấp dữ liệu liên quan 31.000-32.000 tài khoản.
Thông tin rò rỉ cho thấy hệ thống theo dõi điện tử của Hoa Kỳ lớn hơn nhiều so với người ta nghĩ trước đây.
Các hãng internet như Facebook, Google, Yahoo, Apple và Microsoft, tuần trước bị cáo buộc đã cung cấp cho Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) "quyền tiếp cận trực tiếp" vào máy chủ của họ theo khuôn khổ chương trình thu thập dữ liệu có tên là Prism.
Các công ty này đều bác bỏ cáo buộc và tuyên bố không cho ai quyền tiếp cận như vậy mà chỉ đáp ứng các yêu cầu hợp pháp.
Một số hàng cũng kêu gọi chính phủ cho phép họ tiết lộ thông tin về con số các yêu cầu bí mật mà họ nhận được.

'Tỷ lệ nhỏ'

Trong nỗ lực trấn an người sử dụng Facebook, luật sư của công ty này, Ted Ullyot, viết trên blog của công ty rằng sau khi thảo luận với nhà chức trách, lần đầu tiên Facebook có thể thông báo về các yêu cầu cung cấp thông tin của chính phủ liên quan tới an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, ông nói hiện chính phủ mới chỉ cho phép công khai con số các yêu cầu.
Trong thời gian sáu tháng tính tới 31/12/2012, tổng cộng số yêu cầu mà Facebook nhận được là trong khoảng 9.000 đến 10.000, liên quan tới 18.000-19.000 tài khoản.
Theo ông Ullyot, các yêu cầu này bắt nguồn từ nhiều lý do, từ tìm trẻ lạc tới truy lùng tội phạm, điều tra đe dọa khủng bố...
"Với hơn 1,1 tỷ người sử dụng hàng tháng trên khắp thế giới thì điều này có nghĩa chỉ có tỷ lệ nhỏ là 1% các tài khoản là liên quan tới các yêu cầu của giới chức Hoa Kỳ."
Luật sư Ullyot không chỉ rõ mức độ hợp tác của Facebook, nhưng nói công ty này bảo vệ thông tin của người sử dụng một cách "quyết liệt".
"Chúng tôi thường bác bỏ các yêu cầu như vậy, hoặc đề nghị chính phủ hạn chế yêu cầu của họ hay cung cấp ít dữ liệu hơn đòi hỏi."
Tháng trước, Microsoft cũng công bố thông tin về các yêu cầu liên quan an ninh quốc gia mà hãng này nhận trong nửa thứ hai của năm 2012, nhấn mạnh rằng chúng chỉ liên quan tới "tỷ lệ rất nhỏ khách hàng toàn cầu của Microsoft".
Đầu tháng Sáu này, Edward Snowden, cựu nhân viên của công ty quốc phòng Booz Allen Hamilton, đồng thời cựu nhân viên kỹ thuật của CIA, đã rò rỉ chi tiết của chương trình Prism.
Ông Snowden đã rời Mỹ tới Hong Kong trước khi các báo Guardian và Washington Post đăng tin mà ông cung cấp.
Hiện không rõ ông đang ở đâu và ông tuyên bố sẽ chống lại lệnh dẫn độ ông về Mỹ.



Facebook, Microsoft tiết lộ số lần chính phủ yêu cầu cấp dữ liệu

Giám đốc FBI Robert Mueller điều trần trước Ủy ban Tư pháp Hạ viện hôm 13/6/2013 về chương trình theo dõi PRISM bị tiết lộ.
Giám đốc FBI Robert Mueller điều trần trước Ủy ban Tư pháp Hạ viện hôm 13/6/2013 về chương trình theo dõi PRISM bị tiết lộ.
Một số công ty internet đã đạt được thỏa thuận với chính phủ Mỹ để tiết lộ những thông tin hạn chế về số lần họ nhận được yêu cầu theo dõi.
Facebook trở thành công ty đầu tiên tiết lộ số lần yêu cầu. Họ cho biết trong một bài blog họ đã nhận từ 9.000 đến 10.000 yêu cầu đòi họ cung cấp dữ liệu của người sử dụng trong 6 tháng cuối của năm 2012, để theo dõi 18.000 đến 19.000 tài khoản của người sử dụng.

Microsoft cho biết trong cùng thời gian đó họ nhận được từ 6.000 đến 7.000 yêu cầu, ảnh hưởng tới 31.000 đến 32.000 tài khoản của người sử dụng.

Con số này bao gồm yêu cầu của các chính quyền tiểu bang và địa phương cũng như những yêu cầu của Cơ quan An ninh Quốc gia NSA.

Hai công ty này cùng với các công ty Apple, Google, và Yahoo đã bác bỏ những tin tức nói rằng NSA có thể trực tiếp truy cập các máy chủ của họ.

Các công ty này đang gây áp lực đòi chính phủ của Tổng thống Obama nới lỏng thêm nữa một lệnh cấm không cho họ tiết lộ thông tin về những yêu cầu theo dõi của chính phủ.

Các công ty cũng tìm cách giữ khoảng cách giữa họ với một chương trình theo dõi internet của chính phủ có tên PRISM đã bị tiết lộ trong những vụ rò rỉ thông tin mật hồi tuần trước.

Giới hữu trách Mỹ nói rằng chương trình này góp phần ngăn chận những vụ tấn công khủng bố.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét