Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2013

"Lụt thế kỷ" ở Trung Âu : Nước lên tới 12 mét

"Lụt thế kỷ" ở Trung Âu : Nước lên tới 12 mét

Lũ lụt tại Đức
Lũ lụt tại Đức
REUTERS/Michaela Rehle

Hoàng Nguyễn
Những cơn mưa lớn và liên tục từ cuối tháng 5, đầu tháng 6 đổ xuống các quốc gia vùng Trung Âu đã khiến nhiều thành phố ở Đức, Áo, Slovakia, Cộng hòa Séc... chìm trong cơn lụt thế kỷ, như báo giới và nhà chức trách của các quốc gia này đánh giá. Hungary cũng đang chuẩn bị để ứng phó với "trận lụt kỷ lục", đảng cầm quyền FIDESZ phải hoãn kỳ đại hội để tập trung cứu lụt


Thông tín viên Hoàng Nguyễn (Budapest)
 
05/06/2013
 
 
Đức, Áo và Cộng hòa Séc ngập trong lũ lụt
Tính đến trưa ngày 3/6, tại nhiều tiểu bang miền Đông và miền Nam Đức, mực nước đã dâng cao hơn thời gian diễn ra "trận lụt thế kỷ" 2002. Kỷ lục được lập ở thành phố cổ Passau (phía Nam nước Đức), khi mực nước lên tới 12m tại nơi gặp gỡ của ba con sông Danube, Inn và Ilz, so với con số 10,8m của năm 2002.

Có ít nhất 25 ngàn người đã được sơ tán khỏi ở nhiều vùng, quân đội Đức cũng đã được huy động để tham gia cứu hộ. Theo thống kê, lượng mưa trong tháng 5 vừa qua ở Đức bằng 178% lượng mưa trung bình hàng năm, khiến ngoài lụt lội, nguy cơ lũ cuốn và nước đọng không được giải thoát cũng rất cao.
Tại Áo, cư dân một số vùng có dòng Danube chảy qua - trong đó có cả thủ đô Vienna - cũng đã được chính quyền kêu gọi tạm rời nhà cửa và mang xe hơi tới đậu ở nơi an toàn. Tối thứ Hai vừa qua, mực nước đã dâng quá mức kỷ lục năm 2002 là 10,9m. Đất ở tại một số nơi đã khiến có người thiệt mạng, một số người mất tích, tàu hỏa trật đường ray.
Bên cạnh sự có mặt của các tình nguyện viên của Hồng Thập Tự, hơn 3 ngàn lính cứu hỏa và tại một số nơi, quân đội Áo cũng đã tham gia cứu hộ. Tuyến tàu liên vận quốc tế nối TP München (Đức) và Salzburg (Áo) đã tạm thời ngừng hoạt động, đường bộ nối Áo và Thụy Sĩ bị phong tỏa, một số bang bị đặt trong tình trạng báo động.
Thiệt hại nặng nhất diễn ra tại Cộng hòa Séc, nơi mà tình trạng khẩn cấp đã được ban bố hầu hết trên lãnh thổ quốc gia này. Tính đến ngày 3/6, có ít nhất 2.300 người bị sơ tán, hàng chục người bị mất tích và vài người đã thiệt mạng. Chính quyền đã cam kết chi 300 triệu Koruna để cứu trợ những nơi bị lụt hoành hành.
Riêng tại thủ đô Praha, hệ thống đê đã được đáp dọc sông Vltava (Moldau). Nhiều trạm tàu điện ngầm bị đóng cửa, hệ thống metro không hoạt động khiến giao thông công cộng bị ứ trệ đáng kể, mặc dù chính quyền đã điều động thêm xe buýt và tàu điện hỗ trợ. Giới chức Séc kêu gọi cư dân, những ai không có việc gì quá cần thiết, chớ lên thủ đô trong những ngày này.
Tính trên toàn quốc Cộng hòa Séc, ít nhất 16 tuyến đường sắt và hơn 100 tuyến đường bộ đã bị lụt cắt đứt. Tại vùng Bắc Bohemia, mức nước sông Elbe lên cao ở mức kỷ lục: có lúc, thay vì mực nước trung bình 3m, nước sông đã dâng tới 10,5m. Đặc biệt, Vườn Bách thú Praha bị thiệt hại nặng nề vì lụt, khiến các chuyến gia quyết địch phải chuyển các loài thú đi nơi khác.
Cạnh đó, tại các quốc gia như Thụy Sĩ, Ba Lan, Slovakia..., giới chức cũng đang ráo riết chuẩn bị công việc phòng chống lũ lụt...
Hungary chuẩn bị cơn "lụt kỷ lục"
Tại Hungary, lụt xuất hiện tại một số vùng giáp biên giới Áo và Slovakia khiến nhiều tuyến đường đã bị phong tỏa, cư dân được chuẩn bị tinh thần có thể phải sơ tán vào bất cứ lúc nào. Một Ủy ban Phòng chống lụt khẩn cấp của chính phủ đã được thủ tướng Orbán Viktor tuyên bố thành lập vào sáng hôm qua, và chính quyền cho hay kinh phí để phòng chống lụt đã được bảo đảm.
Ngay tại thủ đô Budapest, hai bên bờ sông Danube, đã có rất nhiều bao tải cát được tập trung để đắp những con đê tạm thời với mục đích ngăn chặn nước tràn bờ. Đại diện giới trẻ ở các trường đại học, các công sở, các CLB thể thao đều ra tuyên bố kêu gọi sự tham gia của những tình nguyện viên trong công việc ngăn chặn lũ lụt.
Một năm trước kỳ tổng tuyển cử Quốc hội, lũ lụt tại Hungary cũng là dịp để giới chính khách xuất hiện với diện mạo đẹp nhất trước dân của họ. Không chỉ Thủ tướng Orbán Viktor và các quan chức chính phủ, mà những gương mặt chính yếu của phe đối lập như cựu Thủ tướng Gyurcsány Ferenc, v.v... cũng tới các hiện trường, và tích cực tham gia công việc dựng đê, cứu hộ.
Đảng cầm quyền FIDESZ tuyên bố hoãn kỳ đại hội định dự định vào ngày Chủ nhật tới và kêu gọi tất cả các đại biểu, đảng viên, và những ai có thiện cảm với đảng hãy tham gia tổ chức và phòng chống lụt. Nhiều tổ chức từ thiện đã tiến hành quyên góp cho cư dân những vùng bị thiệt hại cho lũ lụt gây ra.
Tính đến tối thứ Ba, trên toàn quốc Hungary, báo động cấp một và cấp hai đã được ban hành trên chiều dài gần 500km dọc con sông Danube. Dự tính mực nước sôngsẽ lên tới mức tối đa vào những ngày cuối tuần và sẽ vượt mực nước năm 2002 và 2006, được coi là kỷ lục trong vòng hơn một trăm năm nay!
Giải pháp tốt nhất: hạ mức nước sông!
Trong khi truyền thông Đông Âu hàng ngày, hàng giờ đưa tin về việc giới chức nước này cho dựng những con đê, đập chắn nước để ngăn lụt và đề phòng trường hợp xấu nhất, khi các đô thị lớn hoàn toàn ngập lụt, thì giới chuyên môn lưu ý: việc dựng lên những con đập di động, dù nhanh và ít tốn kém, nhưng không chắc đã hiệu quả trong mọi trường hợp.
Lý do rất đơn giản:cho dù đê đập có cao và vững đến mấy đi nữa, nhưng không thể tăng độ cao một cách tùy thích để ứng phó với những khi mực nước dâng lên cao bất ngờ. Giảp pháp khả dĩ là dẫn nước sông vào những con suối hoặc hồ chứa - hoặc đào sâu, mở rộng những nhánh phụ của sông - để giảm mực nước một cách tương đối.
Những giải pháp như thế không phải quá xa lạ ở nhiều vùng quê, khi chủ sở hữu cho phép nhà nước sử dụng đất đai trồng trọt của họ với mục đích dẫn nước, làm giảm mực nước sông, và những khi đó họ được bồi thường một cách thỏa đáng. Tất nhiên, những vùng đất đó cũng được bảo vệ bằng hệ thống đề điều để nước không tràn vào các khu dân cư.
Tại những vùng ven sông dễ bị lũ lụt, chính quyền đã chủ động xâu những hồ chứa nước để sử dụng trong khi cần thiết. Tiêu biểu cho cách phòng chống này là ở phía Nam Hungary, tại lưu vực sông Tisza, một con sông lớn của nước này, trong thời kỳ 1998-2001 từng có những đợt nước dâng rất cao, vượt mức kỷ lục tính tới thời điểm đó hàng mét.
Tuy nhiên, tại các vùng ven sông Danube thì có rất ít khả năng dẫn nước đi chỗ khác hoặc xây dựng những khu chứa nước như thế. Đặc biệt, một câu hỏi được đạt ra là trong trường hợp nước dâng quá cao ở đoạn Danube chảy qua thủ đô Budapest thì làm thế nào?
Trên nguyên tắc, bức vách bằng đá xây từ thế kỷ 19 phải đủ cao để ngăn sông Danube không tràn được vào thành phố, cho dù con đường bờ sông hiện tại đã bị nước ngập ở một số đoạn. Tuy nhiên, theo một báo cáo từ năm 2011, một số đoạn của bức vách này không còn đủ mạnh, hoặc đủ cao để chống lại nước lũ trong trường hợp cần thiết.
Dầu sao đi nữa, để trấn an cư dân, giới chuyên gia Hungary cho biết, mực nước Danube - nếu có lên tới mức kỷ lục 8,8 mét vào cuối tuần đi nữa - cũng không đủ sức phá hỏng bức vách đá có độ bền đáng tin cậy, và không vượt qua được chiều cao hơn như thế của vách. Có thể cầm chắc là nội thành thủ đô Budapest sẽ không thể bị lụt hoành hành như trong trường hợp Praha!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét