Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2013

Gánh hát cải lương và chuyện Nam Vang đi dễ khó về

Gánh hát cải lương và chuyện Nam Vang đi dễ khó về

Ngành Mai, thông tín viên RFA 2013-06-15

lan-va-diep-305.jpg
Hình ảnh Thành Được và Thanh Nga trong vở Lan và Điệp.
Photo courtesy of diendan.cailuongso.com


Những năm đầu của thập niên 1940 gánh hát Phụng Hỏa do nữ nghệ sĩ tiền phong Phùng Há thành lập đã đi diễn khắp cả 3 miền đất nước. Sau thời gian lưu diễn trên nhiều tỉnh từ Nam ra Bắc, Má Bảy Phùng Há quyết định đoàn Phụng Hảo sang xứ Chùa Tháp, phục kiều bào ta ở Campuchia.

“Trai đi có vợ gái về dẫn con”

Trước đây tôi có dịp tiếp xúc với Má Bảy Phùng Há ở Chùa Nghệ Sĩ Gò Vấp năm đó bà đã ngoài 90 nhưng còn minh mẩn. Tôi có đề cập đến việc khi xưa đoàn Phụng Hảo đi lưu diễn bên Campuchia, thì Bảy kể lại rất nhiều chi tiết về đoàn Phụng Hảo lúc đó. Má Bảy nói rằng thời kỳ 3 nước Đông Dương với chính quyền là người Pháp, còn xài chung một thứ tiền (Banque de l’Indochine) việc đi lại giữa 3 nước dễ dàng, nên cuối năm 1945 đêm chót hát tại Tân Châu, Châu Đốc bà cho dọn gánh Phụng Hảo xuống ghe (có tàu máy kéo) ngược dòng sông Cửu Long lên Nam Vang hát tại rạp Kim Phụng. Lúc đầu dự tính hát vài tháng rồi trở về, nhưng hễ bớt người đi coi sắp sửa dọn về thì khán giả đông đảo trở lại quá mức, thì hết cả gánh đâu còn ai muốn về nữa, cứ như thế mà lần lựa mãi đến gần 5 năm.
Và bà cũng nói thiên hạ nói rằng “Nam Vang đi dễ khó về, trai đi có vợ gái về dẫn con” thì quả đúng như vậy đối với gánh Phụng Hảo lúc đó. Có mấy cô đào đóng vai phụ, vai tỳ nữ lên đây hát thời gian rồi có chồng ở Nam Vang, lúc về chỉ để thăm  nhà rồi trở lại đất Campuchia. Còn kép hát thì mấy người có vợ bên đó rồi ở luôn không về nữa. Lần đó gánh Phụng Hảo đóng trụ luôn một rạp Kim Phụng cho đến 1950 mới đáo trở về Sài Gòn, như vậy kể như gần 5 năm mà đêm nào cũng có khán giả, người mình ở bên đó ham thích cải lương vô kể.
Kiều bào ta ở Nam Vang phần đông là những người gốc từ các tỉnh Miền Nam, qua bên đó lập nghiệp rồi ở luôn, có người thuộc thế hệ thứ 2, thứ 3 và có thể thứ 4, thứ 5, mà tổ tiên của họ đã rời đất nước Việt Nam từ lâu đời, như vậy không thể nói là họ thấm nhuần cải lương hơn ở các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Long Xuyên, Rạch Giá vốn là những cái nôi của cải lương cổ nhạc. Thế nhưng do đâu mà họ lại mến mộ cải lương một cách mạnh mẽ, ủng hộ bộ môn nghệ thuật này còn nhiều hơn ở trong nước, dám “nuôi” một đoàn hát nằm một chỗ đến những 5 năm trời.
Vấn đề trên thì người am hiểu thực trạng, tâm lý Việt kiều ở Campuchia, họ nói rằng kiều bào ở bên Campuchia tâm trạng chung của họ là buồn vì xa nhà, xa quê, xa bà con thân thuộc xóm giềng, nỗi buồn viễn xứ luôn luôn canh cánh bên lòng, mà nguồn an ủi của họ lúc bấy giờ không có gì hơn là cứ chiều chiều gom lại rạp hát cải lương gặp người đồng hương tâm sự chuyện trò. Ban ngày họ tỏa ra đi làm ăn tứ tán, tối đến thì tập trung ở rạp Kim Phụng là rạp hát duy nhứt ở Nam Vang có hát cải lương. Không khí ở đây làm cho họ bớt nhớ nhà, bởi ngoài rạp hát ra còn có cả phê hủ tiếu, tiệm tạp hóa buôn bán những món hàng từ Việt Nam đem sang, coi như ở khu vực quanh rạp hát này là địa điểm sinh hoạt của kiều bào ta vậy. Lâu ngày chày tháng thành thói quen, hôm nào không đến đây là coi như thiếu cái gì đó, và do số người tập trung đông đảo thì dĩ nhiên số người muốn coi hát cải lương cũng không ít, họ rủ nhau đi coi, không tiền mua vé thì có người thân bạn bè bao cho, bữa khác bao lại, cứ như thế mà gánh hát luôn luôn có khán giả.

Đất Nam Vang linh thiêng

phung-ha-305.jpg
Nữ nghệ sĩ Phùng Há
Cũng trong lần tiếp xúc đó tôi có hỏi Má Bảy có biết tại sao mà “Nam Vang đi dễ khó về”, có thật như vậy cho nhiều người không, và câu nói đó có từ bao giờ thì Má Bảy nói rằng câu nói đó đã có trong dân gian từ lúc nào đâu ai biết, nhưng rất nhiều người nhìn nhận như vậy, họ chứng minh bằng trường hợp của người này, hoàn cảnh của người kia. Người ta nói đất địa Nam Vang linh thiêng, nếu đã ăn cơm ở đó, làm ăn được ở đó thì không chuyện này thì chuyện khác xui khiến cho không rời khỏi được, mà phải ở lại thôi. Có người còn chỉ cho cách nếu muốn về nước, thì cứ âm thầm đừng nói ra, đừng tuyên bố gì hết, rồi bất ngờ ra xe, xuống tàu thì về được, chớ còn nói ra, từ giã bạn bè thân hữu trước khi đi thì coi như bị trở ngại gì đó bắt buộc phải ở lại.
Đó là đối với những người bỏ quê hương xứ sở lên Nam Vang làm ăn, còn cải lương thì tình trạng khác với người lên đây lập nghiệp, người ta khi kiếm được số vốn thì muốn về thăm quê hương, còn gánh hát cải lương thì ngược lại, ngày nào có tiền vô là ngày đó còn người coi, thì lại càng muốn ở lại hơn, chỉ khi nào ít khán giả thì mới tính đến chuyện rời khỏi. Thế mà cải lương cũng bị Nam Vang đi dễ khó về.
Má Bảy thuật lại rằng, người nọ làm ăn có dư tiền, dự tính về Việt Nam cả mấy tháng trước, đồ đạc quần áo vô sẵn vali, chỉ chờ ngày lên đường, nhưng vào giờ chót thì bị bệnh bất ngờ phải ở lại điều trị, đến khi hết bệnh thì tình hình đã đổi khác, công chuyên làm ăn phải ở lại giải quyết, thế là hết về! Một trường hợp khác, ông nọ làm ăn khá, dành dụm được nhiều tiền dự tính về Việt Nam cất nhà cho rỡ mặt với bà con xóm làng. Sửa soạn đâu đó xong xuôi đi từ giã bạn bè thì gặp sòng bài, lúc đầu định chơi vài ván cho vui, tới chừng thua thì muốn gỡ, càng gỡ lại càng thua, cuối cùng thì bao nhiêu tiền kiếm được ở Nam Vang phải trả lại đất Campuchia mà còn thêm nợ. Đó là nói sơ qua một vài trường hợp, chớ còn hằng trăm hằng ngàn trường hợp khác tùy theo hoàn cảnh riêng của mỗi người đâu thể kể hết được.
Có lúc con số khán giả bị vơi, gánh hát chuẩn bị dọn về nước thì tự nhiên đông đảo người đi coi hát khiến cho phải ở lại tiếp tục hát. Vấn đề này đa số người trong gánh hát đều cho rằng đất Nam Vang linh thiêng giống như thiên hạ đồn đãi, nhưng riêng Má Bảy thì bà một phần cũng tin nơi vô vi huyền bí, nhưng phần khác thì cũng tìm hiểu thực tế như thế nào, và đã tìm ra căn nguyên của vấn đề.
Bà nói số là kiều bào ta ở Nam Vang rất nhạy cảm với cải lương, lúc gánh hát mới dọn đến là thiên hạ rủ nhau đi coi, hầu như ai cũng muốn coi qua vài tuồng, ít nhứt cũng một lần thưởng thức hương vị quê hương. Họ không nhứt thiết phải coi đêm đầu mà mấy đêm sau cũng được, không bữa này thì bữa khác, bởi họ biết gánh hát còn ở đây lâu, chớ không lẽ mới lên lại dọn về.
Thế nhưng, đến khi nghe đồn gánh hát sắp sửa dọn về nước thì thiên hạ lại ùn ùn đi coi, người ta có ý tưởng khó còn dịp, bởi một khi gánh hát quay về Việt Nam rồi thì khó mà lên đây trở lại, một hai năm sau chưa chắc có gánh hát nào dọn lên, do đó mà họ thu xếp công việc đi coi, chớ không thôi thì không còn dịp. Không riêng gì bà con ở Nam Vang mà kiều bào đang sinh sống ở những nơi xa xôi như Cần Ché tức tỉnh Kratié, trong đó có nhiều người gốc ở Long Xuyên lên đây làm nghề thợ mộc, mở trại mộc. Những người có nghề chài lưới họ tập trung ở Biển Hồ, cả những người ở Siêm Riệp và tận Battambang gần biên giới Thái Lan, cũng về Nam Vang mà mục đích là coi cải lương, thành ra suốt hơn hai tháng trời, rạp hát Kim Phụng khán giả chật ních.
Sau đợt đó, người coi hát vừa giảm bớt thì lại gần Tết, mà Tết đến thì dù ở đâu gánh hát cũng hốt bạc, dọn đi làm chi cho tốn kém. Cũng giống như người Việt ở Mỹ hiện nay, phần đông ăn hai cái Tết: Tết Dương Lịch và Tết Nguyên Đán, ở Nam Vang người Việt mình cũng ăn tới hai cái Tết: Tết ta và Tết Campuchia. Mùa nước ở Campuchia thì ai nấy cũng đều nghỉ xả hơi, người Campuchia lẫn người Việt nghỉ ăn chơi cả tháng, bỏ tiền ra ăn xài, ở Campuchia dễ làm ăn họ xài tiền không biết tiếc. Đối với gánh hát cải lương thì Tết ai cũng được, miễn là có người đi coi là bán vé, bán càng nhiều càng vui vẻ cả làng Câu chuyện gánh hát Phụng Hảo hát suốt 5 năm tại một rạp Kim Phụng ở Nam Vang, cũng như chuyện bên lề còn dài, kỳ tới chúng tôi sẽ nói tiếp.

Chuyện vui cải lương

Và bây giờ cô Triệu Mỹ Ngân, sẽ kể lại câu chuyện vui của cải lương hồi năm 1945.
Người Việt Nam mà sao không biết ăn mắm kho?
Soạn giả Thanh Cao khi còn là nghệ sĩ hát ở gánh Đồng Thinh của bầu Hai Liêm, lúc đoàn đang hát tại Giồng Trôm, Bến Tre, thì xảy ra biến cố Nhựt đảo chánh, ngày 9 tháng 3 năm 1945.
Đoàn tạm ngưng hoạt động, nghệ sĩ Thanh Cao đi lang thang ngoài chợ, tướng anh cao lớn như Tây, mũi cũng cao lại mặc đồ Tây tươm tất. Thời này ở vùng quê đa số thiên hạ mặc đồ bà ba đen, hoặc trắng, mà Thanh Cao lại ăn diện như Tây, nên lính Nhựt thấy Thanh Cao nghi anh là Tây lai nên bắt đem về đồn. Tin này làm xôn xao cả chợ Giồng Trôm, hề Giáo Xe liền mang giấy tờ chứng minh Thanh Cao không phải là Tây lai, nhưng lính Nhựt không tin. Lính Nhựt còn dò biết Thanh Cao biết rành tiếng Pháp nên chúng càng nghi. Bởi vậy qua viên thông ngôn lính Nhựt hỏi anh:
“Này, anh có biết ăn mắm kho không?”
Thanh Cao từ nhỏ đến lớn không ăn được mắm nên trả lời:
“Dạ, tôi không biết ăn mắm kho.”
Lính Nhựt cười, càng khẳng định anh là Tây lai và đem nhốt vào khám. Lúc vào nhà giam Thanh Cao tự trách mình là người Việt mà không tập ăn mắm kho như mọi người, nên mới khổ như vầy. Mãi đến mấy hôm sau ông bầu Hai Liêm đích thân đến đồn Nhựt làm giấy bảo lãnh Thanh Cao, anh mới được thả ra và đoàn tiếp lưu diễn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét